Sai số là gì? Sai số cho phép trong đo đạc địa chính là bao nhiêu? (Hình từ internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Sai số là giá trị chênh lệch giữa giá trị đo được hoặc tính được và giá trị thực hay giá trị chính xác của một đại lượng nào đó.
Khi đo đạc nhiều lần một đại lượng nào đó dù có cẩn thận đến đâu thì kết quả giữa các lần đo cũng đều có sự chênh lệch. Điều đó chứng tỏ trong kết quả đo luôn có sai số và kết quả mà chúng ta nhận được chỉ là giá trị gần đúng.
Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng sai số nhưng chủ yếu là do dụng cụ máy móc và trình độ chuyên môn của người đo không cao. Một số lý do khác đó chính là các tác động của điều kiện ngoại cảnh như gió, thời tiết,…
Theo Điều 7 Thông tư 25/2014/TT-BTNMT (sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 33/2017/TT-BTNMT) quy định về độ chính xác bản đồ địa chính như sau:
- Sai số trung phương vị trí mặt phẳng của điểm khống chế đo vẽ, điểm trạm đo so với điểm khởi tính sau bình sai không vượt quá 0,1 mm tính theo tỷ lệ bản đồ cần lập.
- Sai số biểu thị điểm góc khung bản đồ, giao điểm của lưới km, các điểm tọa độ quốc gia, các điểm địa chính, các điểm có tọa độ khác lên bản đồ địa chính dạng số được quy định là bằng không (không có sai số).
- Đối với bản đồ địa chính, dạng giấy, sai số độ dài cạnh khung bản đồ không vượt quá 0,2 mm, đường chéo bản đồ không vượt quá 0,3 mm, khoảng cách giữa điểm tọa độ và điểm góc khung bản đồ (hoặc giao điểm của lưới km) không vượt quá 0,2 mm so với giá trị lý thuyết.
- Sai số vị trí của điểm bất kỳ trên ranh giới thửa đất biểu thị trên bản đồ địa chính dạng số so với vị trí của các điểm khống chế đo vẽ gần nhất không được vượt quá:
+ 5 cm đối với bản đồ địa chính tỷ lệ 1:200;
+ 7 cm đối với bản đồ địa chính tỷ lệ 1:500;
+ 15 cm đối với bản đồ địa chính tỷ lệ 1:1000;
+ 30 cm đối với bản đồ địa chính tỷ lệ 1:2000;
+ 150 cm đối với bản đồ địa chính tỷ lệ 1:5000;
+ 300 cm đối với bản đồ địa chính tỷ lệ 1:10000.
+ Đối với đất nông nghiệp đo vẽ bản đồ địa chính ở tỷ lệ 1:1000,1:2000 thì sai số vị trí điểm nêu tại điểm c và d khoản 4 Điều 7 Thông tư 25/2014/TT-BTNMT được phép tăng 1,5 lần.
- Đối với đất phi nông nghiệp, sai số tương hỗ vị trí điểm của 2 điểm bất kỳ trên ranh giới thửa đất biểu thị trên bản đồ địa chính dạng số so với khoảng cách trên thực địa được đo trực tiếp hoặc đo gián tiếp từ cùng một trạm máy không vượt quá 0,2 mm theo tỷ lệ bản đồ cần lập, nhưng không vượt quá 4 cm trên thực địa đối với các cạnh thửa đất có chiều dài dưới 5 m.
Đối với đất nông nghiệp, đất chưa sử dụng thì sai số tương hỗ vị trí điểm của 2 điểm bất kỳ nêu trên được phép tăng 1,5 lần.
- Vị trí các điểm mốc địa giới hành chính được xác định với độ chính xác của điểm khống chế đo vẽ.
- Khi kiểm tra sai số phải kiểm tra đồng thời cả sai số vị trí điểm so với điểm khống chế gần nhất và sai số tương hỗ vị trí điểm. Trị tuyệt đối sai số lớn nhất khi kiểm tra không được vượt quá trị tuyệt đối sai số cho phép, số lượng sai số kiểm tra có giá trị bằng hoặc gần bằng (từ 90% đến 100%) trị tuyệt đối sai số lớn nhất cho phép không quá 10% tổng số các trường hợp kiểm tra. Trong mọi trường hợp các sai số nêu trên không được mang tính hệ thống.