Những điều cần lưu ý khi sử dụng người lao động cao tuổi

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Ngọc Quế Anh
24/02/2024 10:30 AM

Xin cho tôi hỏi doanh nghiệp khi sử dụng người lao động cao tuổi cần lưu ý những điều gì? - Bình An (Đắk Lắk)

Những điều cần lưu ý khi sử dụng người lao động cao tuổi (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Bao nhiêu tuổi được coi là người lao động cao tuổi?

Theo khoản 1 Điều 148 Bộ luật Lao động 2019, người lao động cao tuổi là người tiếp tục lao động sau độ tuổi được nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường. 

Theo đó, độ tuổi nghỉ hưu của người lao động được quy định như sau:

Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.

Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ.

Như vậy, năm 2024, người lao động cao tuổi là người đủ 61 tuổi đối với lao động nam và 56 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ nhưng vẫn tiếp tục lao động.

2. Những điều cần lưu ý khi sử dụng người lao động cao tuổi

2.1 Loại hợp đồng lao động được ký với người lao động cao tuổi

Căn cứ khoản 1 Điều 20 Bộ luật Lao động 2019, có 02 loại hợp đồng lao động mà các bên có thể lựa chọn:

- Hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

- Hợp đồng lao động xác định thời hạn (không quá 36 tháng).

Trong đó, các trường hợp thông thường chỉ được ký hợp đồng lao động xác định thời hạn tối đa 02 lần. Nếu muốn tiếp tục sử dụng người lao động sau đó phải ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn.

Tuy nhiên, khoản 1 Điều 149 Bộ luật Lao động 2019 đã nêu rõ: Khi sử dụng người lao động cao tuổi, hai bên có thể thỏa thuận giao kết nhiều lần hợp đồng lao động xác định thời hạn.

Như vậy, khi sử dụng lao động cao tuổi, người sử dụng lao động có thể thỏa thuận ký nhiều lần hợp đồng lao động có thời hạn hoặc ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn tùy thuộc vào nhu cầu của các bên.

2.2 Không được sử dụng người lao động cao tuổi làm việc nặng nhọc, độc hại

Cụ thể, tại khoản 3 Điều 149 Bộ luật Lao động 2019 quy định: 

Không được sử dụng người lao động cao tuổi làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người lao động cao tuổi, trừ trường hợp bảo đảm các điều kiện làm việc an toàn.

Như vậy, theo quy định, doanh nghiệp sẽ không được thuê người lao động cao tuổi để làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người đó. Tuy nhiên nếu đảm bảo các điều kiện làm việc an toàn thì doanh nghiệp vẫn được sử dụng người lao động cao tuổi làm những công việc này.

2.3 Người lao động cao tuổi có được rút ngắn thời gian làm việc hoặc làm việc không trọn thời gian

Tại khoản 2 Điều 149 Bộ luật Lao động 2019 có quy định người lao động cao tuổi có quyền thỏa thuận với người sử dụng lao động về việc rút ngắn thời giờ làm việc hằng ngày hoặc áp dụng chế độ làm việc không trọn thời gian.

Theo đó, người lao động cao tuổi và người sử dụng lao động có thể thỏa thuận chọn rút ngắn thời gian làm việc hoặc áp dụng chế độ làm việc không trọn thời gian. 

Bên cạnh đó, khoản 3 Điều 148 Bộ luật Lao động 2019 cũng khuyến khích sử dụng người lao động cao tuổi làm việc phù hợp với sức khỏe để bảo đảm quyền lao động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực.

2.4 Đóng bảo hiểm cho người lao động cao tuổi

Tùy thuộc vào việc người lao động cao tuổi đã hưởng lương hưu hay chưa mà người sử dụng lao động có thể phải đóng bảo hiểm cho họ.

Trường hợp 1: Người lao động đang hưởng lương hưu

Người lao động đáp ứng đồng thời về độ tuổi và số năm đóng bảo hiểm xã hội thì sẽ được hưởng lương hưu hàng tháng.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 149 Bộ luật Lao động 2019, người lao động đang hưởng lương hưu mà làm việc theo hợp đồng lao động mới thì ngoài chế độ hưu trí, người lao động còn được được hưởng tiền lương và các quyền lợi khác theo pháp luật và hợp đồng lao động.

Đồng thời, khoản 9 Điều 123 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 cũng nêu rõ:

Người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng mà đang giao kết hợp đồng lao động thì không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Như vậy, người lao động cao tuổi đủ điều kiện hưởng lương hưu hàng tháng thì doanh nghiệp sẽ không bắt buộc phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động đó.

Tuy nhiên, thay vì đóng bảo hiểm, doanh nghiệp phải trả thêm cho người lao động khoản tiền tương đương với mức người sử dụng lao động đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo khoản 3 Điều 168 Bộ luật Lao động 2019.

Trường hợp 2: Người lao động cao tuổi chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu

Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người lao động ký hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ một tháng thì thuộc đối tượng tham gia hiểm xã hội bắt buộc.

Như vậy, trường hợp người lao động quá tuổi lao động nhưng chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu mà vẫn tiếp tục làm việc theo hợp đồng lao động từ đủ một tháng, chủ sử dụng lao động vẫn phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động này như những người lao động khác trong công ty.

3. Xử phạt vi phạm hành chính trong việc sử dụng người lao động cao tuổi 

Tại khoản 2 Điều 31 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền đối với hành vi sử dụng người lao động cao tuổi để làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm như sau:

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi sử dụng người lao động cao tuổi làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người lao động cao tuổi, trừ trường hợp bảo đảm các điều kiện làm việc an toàn.

Lưu ý: Theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, mức phạt tiền trên áp dụng đối người sử dụng lao động là cá nhân vi phạm. Trường hợp tổ chức vi phạm thì mức phạt tiền gấp đôi.

Như vậy, trường hợp công ty sử dụng người lao động cao tuổi để làm các việc nặng nhọc mà không bảo đảm các điều kiện an toàn cho người lao động sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,033

Bài viết về

lĩnh vực Lao động - Tiền lương

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]