Luật PCCC quy định trách nhiệm PCCC là của ai?

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
11/03/2024 09:15 AM

Cho tôi hỏi Luật PCCC quy định trách nhiệm PCCC là của ai? Nguyên tắc phòng cháy chữa cháy thế nào? - Duy Khánh (Tiền Giang)

Luật PCCC quy định trách nhiệm PCCC là của ai?

Luật PCCC quy định trách nhiệm PCCC là của ai? (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Luật PCCC quy định trách nhiệm PCCC là của ai? 

Theo Điều 5 Luật Phòng cháy và chữa cháy 2001 (bổ sung 2013) thì trách nhiệm phòng cháy và chữa cháy được quy định như sau:

- Phòng cháy và chữa cháy là trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trên lãnh thổ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

- Công dân từ 18 tuổi trở lên, đủ sức khoẻ có trách nhiệm tham gia vào đội dân phòng, đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở được lập ở nơi cư trú hoặc nơi làm việc khi có yêu cầu.

- Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chủ hộ gia đình là người chịu trách nhiệm tổ chức hoạt động và thường xuyên kiểm tra phòng cháy và chữa cháy trong phạm vi trách nhiệm của mình.

- Chủ hộ gia đình có trách nhiệm:

+ Đôn đốc, nhắc nhở thành viên trong gia đình thực hiện quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy;

+ Thường xuyên kiểm tra phát hiện và khắc phục kịp thời nguy cơ gây cháy, nổ;

+ Phối hợp với cơ quan, tổ chức và hộ gia đình khác trong việc bảo đảm điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy; quản lý chặt chẽ và sử dụng an toàn chất dễ gây cháy, nổ.

- Cá nhân có trách nhiệm:

+ Chấp hành quy định, nội quy, yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy của người hoặc cơ quan có thẩm quyền;

+ Tuân thủ pháp luật và nắm vững kiến thức cần thiết về phòng cháy và chữa cháy; biết sử dụng dụng cụ, phương tiện phòng cháy và chữa cháy thông dụng;

+ Bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy trong quá trình sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt và trong bảo quản, sử dụng chất cháy;

+ Ngăn chặn nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, hành vi vi phạm quy định an toàn về phòng cháy và chữa cháy;

+ Thực hiện quy định khác có liên quan đến trách nhiệm cá nhân trong Luật Phòng cháy và chữa cháy 2001.

2. Nguyên tắc phòng cháy chữa cháy

Nguyên tắc phòng cháy và chữa cháy theo Điều 4 Luật Phòng cháy và chữa cháy 2001 như sau:

- Huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tham gia hoạt động phòng cháy và chữa cháy.

- Trong hoạt động phòng cháy và chữa cháy lấy phòng ngừa là chính; phải tích cực và chủ động phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ cháy xảy ra và thiệt hại do cháy gây ra.

- Phải chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, phương án và các điều kiện khác để khi có cháy xảy ra thì chữa cháy kịp thời, có hiệu quả.

- Mọi hoạt động phòng cháy và chữa cháy trước hết phải được thực hiện và giải quyết bằng lực lượng và phương tiện tại chỗ.

3. Quy định về thiết kế và thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy

Quy định về thiết kế và thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy theo Điều 15 Luật Phòng cháy và chữa cháy 2001 như sau:

- Khi lập quy hoạch, dự án xây dựng mới hoặc cải tạo đô thị, khu dân cư, đặc khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao phải có giải pháp, thiết kế về phòng cháy và chữa cháy bảo đảm các nội dung sau đây:

+ Địa điểm xây dựng, bố trí các khu, các lô;

+ Hệ thống giao thông, cấp nước;

+ Bố trí địa điểm hợp lý cho các đơn vị phòng cháy và chữa cháy ở những nơi cần thiết;

+ Dự toán kinh phí cho các hạng mục phòng cháy và chữa cháy.

- Khi lập dự án, thiết kế xây dựng mới, cải tạo hoặc thay đổi tính chất sử dụng của công trình phải có giải pháp, thiết kế về phòng cháy và chữa cháy bảo đảm các nội dung sau đây:

+ Địa điểm xây dựng, khoảng cách an toàn;

+ Hệ thống thoát nạn;

+ Hệ thống kỹ thuật an toàn về phòng cháy và chữa cháy;

+ Các yêu cầu khác phục vụ phòng cháy và chữa cháy;

+ Dự toán kinh phí cho các hạng mục phòng cháy và chữa cháy.

- Các dự án, thiết kế quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 15 Luật Phòng cháy và chữa cháy 2001 phải được thẩm duyệt về phòng cháy và chữa cháy.

- Chính phủ quy định danh mục dự án, công trình thuộc diện phải thiết kế, thẩm duyệt thiết kế, thời hạn thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 9,542

Bài viết về

lĩnh vực Phòng cháy chữa cháy

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]