Mặc dù ở Việt Nam chưa “luật hóa” lobby nhưng trên thực tế đã có những hoạt động lobby tự phát và trên thực tế vẫn tồn tại những cách hiểu, cách nhìn nhận đánh giá khác nhau về lobby.
Từng tìm hiểu và nghiên cứu về vấn đề lobby chính sách ở một số nước trên thế giới, ông Lê Như Tiến, đại biểu Quốc hội khóa XIII, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội chia sẻ:
Vận động hành lang (lobby) bản chất không phải là xấu mà có những giá trị rất ưu việt. Vận động hành lang có thể hiểu là những hoạt động “hậu trường” thường thấy ở nhiều nước trên thế giới. Qua hoạt động này, những người vận động có thể chuyển tải quan điểm của dân cư trong xã hội, cung cấp thông tin, nguyện vọng của dân cư để có thể tác động trực tiếp hoặc gián tiếp tới những thành viên của cơ quan lập pháp, thuyết phục họ thực hiện hoặc không thực hiện hành vi lập pháp mới hay hoạch định chính sách mới để đạt được kết quả như những người vận động hành lang mong muốn.
Để áp dụng lobby, luật hóa lobby thì theo tôi, không có sự phân biệt nào về mặt chính trị, kinh tế, xã hội. Quan trọng nhất là nhận thức đúng đắn bản chất tốt đẹp của lobby, đó là điều kiện duy nhất và cần nhất để áp dụng và ghi nhận lobby vào trong luật. Nhận thức, đánh giá lobby như thế nào, đặt ra yêu cầu đối với lobby ra làm sao, tất cả phải xuất phát từ lợi ích chung để làm chứ không phải vì lợi ích cá nhân. Tôi nghĩ áp dụng lobby sẽ phần nào khắc phục được kiểu “ngồi trên trời” để làm chính sách.
Ông có thể cho một số ví dụ lobby “tự phát” ở Việt Nam hiện nay?
Tôi có thể lấy ví dụ về một số người dân ở vùng Tây Nguyên rất bức xúc về vấn đề giao thông, cầu phà qua sông; vấn đề nước tưới tiêu cho cây càphê hoặc một số cây công nghiệp khác thì người ta vận động đại biểu Quốc hội trong việc đề nghị Quốc hội và Chính phủ hoạch định các chính sách, các chương trình về xây dựng cầu đường cho người dân Tây Nguyên, thành lập các hồ chứa nước ở Tây Nguyên…Để vận động đại biểu Quốc hội ủng hộ mình, họ phải cung cấp các tư liệu thực tế về tình hình khó khăn của giao thông như thế nào, các hiện tượng người dân đi lại, trẻ em đi học phải đu dây qua sông; các số liệu về việc học sinh chết đuối khi vượt sông vượt suối đi học; rồi tình hình cây càphê mất mùa, thiệt hại do thiếu nước… Đó là những hoạt động rất thiết thực và cần thiết. Do đó, lobby tốt sẽ giúp cho đại biểu Quốc hội hiểu hơn về thực tế và để xây dựng những chính sách pháp luật tốt hơn, đó là mặt tích cực của vận động hành lang.
Như vậy, lobby bản chất không hề xấu mà có những tác động tích cực đối với quá trình xây dựng các chính sách và pháp luật, thưa ông?
Bản chất của lobby chính là cung cấp thông tin, bằng chứng xác thực cho những người xây dựng chính sách, pháp luật như các nghị sỹ hay đại biểu Quốc hội. Qua đó, họ có thể hiểu hơn về bản chất sự việc, về thực tiễn cuộc sống và nhu cầu của xã hội, hiểu hơn về lợi ích mà những chính sách, pháp luật này đem lại. Từ đó họ có thể đưa ra những quyết định của mình trong quá trình xây dựng, sửa đổi pháp luật hay hoạch định chính sách.
Bởi vì thực chất, nghị sỹ, đại biểu Quốc hội không giỏi về mọi lĩnh vực, không hiểu được tất cả mọi mặt của cuộc sống nhưng lại có trách nhiệm rất rộng; nghị sĩ, đại biểu Quốc hội nào cũng phải quyết định nhiều vấn đề đặt ra trong các kỳ họp. Các vấn đề đặt ra không chỉ trong một lĩnh vực mà bao hàm cả văn hóa, chính trị, kinh tế, khoa học, quốc phòng, an ninh, môi trường, tư pháp… Chính vì nghị sỹ, đại biểu Quốc hội không biết được toàn bộ mọi mặt của đời sống xã hội và việc vận động hành lang sẽ cung cấp rất nhiều thông tin và tư liệu thực tiễn quý giá cho các nghị sỹ và đại biểu Quốc hội, làm cho đại biểu Quốc hội hiểu hơn những chính sách có lợi hay có hại gì trong sự phát triển kinh tế, xã hội... để họ có thể đưa ra những quyết sách đúng đắn.
Vậy nếu không sử dụng đúng mục đích, đúng bản chất tốt đẹp thì lobby sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến chính sách như thế nào?
Bản chất vận động hành lang không phải là xấu nhưng ngược lại nếu vận động hành lang không xuất phát từ quyền lợi của nhân dân mà chỉ vì một nhóm lợi ích, một số người nhỏ lẻ thì đó là vận động không đúng và hoàn toàn sai bản chất của vận động hành lang. Khi đó không phải là lobby chính sách, lobby pháp luật mà là lobby lợi ích nhóm, muốn thông qua chính sách pháp luật để trục lợi cho mình, cho nhóm mình. Tôi cho rằng, nếu hiểu theo cách đó sẽ làm biến tướng bản chất tốt đẹp của lobby bởi vì lobby là cung cấp thông tin, bằng chứng để thuyết phục các nhà làm luật và tự các nhà làm luật sẽ đưa ra quyết định của mình chứ không chịu một sự “tác động” hay dùng tiền để “bôi trơn”. Tất nhiên, trong thực tế, những việc như vậy là có, song tôi nghĩ rằng các nhà làm luật, các nhà hoạch định chính sách, các nghị sỹ, đại biểu Quốc hội đều là những người có kiến thức, lòng tự trọng nên cái gì thấy đúng, có lợi cho người dân, cho đất nước thì họ mới làm. Tuy nhiên, tôi không nói tất cả mà cũng có thể có một số ít những người hoạch định chính sách vì có “bôi trơn” mà “nghiêng ngả”. Nhưng tôi vẫn tin rằng, số đông những người hoạch định chính sách là vì lợi ích chung của nhân dân, của đất nước, của cộng đồng. Song, cũng phải khẳng định rằng, nhiều vấn đề có “dấu hiệu” của “lợi ích nhóm”. Tôi ví dụ như lobby để xây dựng một sân bay, bến cảng hoặc tạo một dự án cụ thể tại một địa phương nhất định trong khi điều đó là không cần thiết vì địa điểm đó đã gần với một đô thị có sân bay, bến cảng rồi nhưng vì lợi ích nhóm, vì muốn được nhà nước đổ tiền vào đầu tư để nhà thầu được ăn chênh lệch thì thực chất chính là lobby tiêu cực, sai lệch. Và nếu không kiểm soát được các hoạt động vận động hành lang sai lệch này, rất có thể sẽ gây lũng đoạn chính sách.
Chúng ta có cách gì để hạn chế những tiêu cực trong hoạt động lobby, thưa ông?
Theo tìm hiểu của tôi, pháp luật các nước có những quy định rất chặt chẽ về lobby, ví dụ như cấm lobby bằng tài chính, nếu phát hiện ra, xử lý rất nghiêm. Ngoài ra, tài khoản của các nghị sỹ bị kiểm soát rất kỹ, luật pháp một số nước quy định nghị sỹ không được dùng tiền mặt cho nên việc nhận tiền từ các thế lực tài chính “bôi trơn” là không phải dễ và không phải đồng tiền nào cũng vào tài khoản của họ được.
Tôi nghiên cứu về Đạo luật vận động hành lang và Đạo luật về Công khai hóa hoạt động lobby ở Mỹ thì họ bắt buộc những người hoạt động lobby phải đăng ký, phải công khai hóa các khách hàng, các cuộc tiếp xúc, công khai hóa các vấn đề lobby và số tiền công được chi trả. Luật Lobby của Hoa Kỳ sửa đổi ngày 18/1/2006 còn quy định cấm các hình thức quà cáp “bồi dưỡng” cho các nghị sỹ có giá trị từ 20USD trở lên, tặng vé máy bay, chiêu đãi các kỳ nghỉ, các chuyến đi thực tế của các nghị sĩ theo lời mời của các tổ chức, cá nhân, mời cơm thân mật…
Chúng ta biết rằng, nhờ vào lobby mà Việt Nam đã giành được những ưu thế trong những việc lớn như gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và có được Quy chế Quan hệ bình thường thương mại vĩnh viễn (PNTR), nếu không sử dụng hoạt động lobby thì rất khó thành công. Theo ông, đã đến lúc Việt Nam cần “luật hóa” vấn đề lobby?
Những kết quả tốt đẹp mà lobby mang lại cho Việt Nam là không thể phủ nhận nhưng như tôi nói ở ban đầu, ý tưởng thể chế hóa lobby vào trong luật cũng có nhiều người đã đặt ra nhưng thời điểm này chưa đủ chín muồi để luật hóa lobby. Mà từ trước đến nay chưa có cá nhân, cơ quan nào đứng ra nêu sáng kiến pháp luật về lobby để cho quốc hội xem xét. Nếu có dự thảo ấy thì Quốc hội phải xem xét.
Mặc dù lobby chưa được luật hóa ở Việt Nam nhưng chúng ta cũng chưa có văn bản nào cấm không được vận động hành lang. Do đó thực tế đã có nhiều hoạt động lobby tự phát ở Việt Nam nhưng hầu hết chỉ dừng lại ở khâu tác động để giải quyết vụ việc hơn là xây dựng chính sách pháp luật. Mà các vụ việc đó theo tôi nhận thấy hầu như đều có mục đích mang lại lợi cho một nhóm người hơn là mang lại lợi ích cho toàn dân, toàn xã hội. Hiện nay lobby chưa có trong bất kỳ chương trình xây dựng pháp luật nào ở các kỳ họp của Quốc hội khóa này, cũng chưa có cơ quan nào trình dự án này cho nên bây giờ bình luận về điều này là hơi sớm và chưa có cơ sở. Nhưng qua nghiên cứu một số nước ta thấy lobby có hai mặt của nó. Bản chất lobby là rất tốt nhưng rất dễ bị lạm dụng dẫn đến tiêu cực. Vì vậy, chúng ta nên học hỏi luật pháp của các quốc gia đã “luật hóa” lobby trước khi đưa ra vấn đề này để bàn.
Xin cảm ơn ông
Hải Ninh – Bùi Văn (thực hiện)
Theo Kinh tế Nông thôn