Trách nhiệm của người chỉ huy chữa cháy (Hình ảnh từ Internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Căn cứ theo Điều 37 Luật Phòng cháy và chữa cháy 2001 (sửa đổi 2013) quy định về người chỉ huy chữa cháy như sau:
- Khi xảy ra cháy, người có chức vụ cao nhất của đơn vị Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy có mặt tại nơi xảy ra cháy là người chỉ huy chữa cháy
- Trường hợp tại nơi xảy ra cháy, lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy chưa đến kịp thì người chỉ huy chữa cháy được quy định như sau:
+ Cháy tại cơ sở thì người đứng đầu cơ sở là người chỉ huy chữa cháy; trường hợp người đứng đầu cơ sở vắng mặt thì đội trưởng đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở hoặc người được uỷ quyền là người chỉ huy chữa cháy;
+ Cháy tại thôn thì trưởng thôn là người chỉ huy chữa cháy; trường hợp những người này vắng mặt thì đội trưởng đội dân phòng hoặc người được uỷ quyền là người chỉ huy chữa cháy;
+ Cháy phương tiện giao thông cơ giới đang lưu thông thì người chỉ huy phương tiện, chủ phương tiện là người chỉ huy chữa cháy; trường hợp không có người chỉ huy phương tiện, chủ phương tiện thì người điều khiển phương tiện là người chỉ huy chữa cháy;
+ Cháy rừng nếu chủ rừng là cơ quan, tổ chức thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức hoặc người được uỷ quyền là người chỉ huy chữa cháy, trưởng bản tại nơi xảy ra cháy có trách nhiệm tham gia chỉ huy chữa cháy; nếu chủ rừng là hộ gia đình hoặc cá nhân thì trưởng thôn, trưởng ấp, trưởng bản hoặc người được uỷ quyền tại nơi xảy ra cháy là người chỉ huy chữa cháy.
Người đứng đầu đơn vị kiểm lâm hoặc người được uỷ quyền tại nơi xảy ra cháy có trách nhiệm tham gia chỉ huy chữa cháy;
+ Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là cấp xã) trở lên có mặt tại đám cháy là người chỉ đạo, chỉ huy chữa cháy.
Căn cứ theo Điều 22 Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định về nhiệm vụ chỉ huy, chỉ đạo chữa cháy như sau:
- Nhiệm vụ chỉ huy chữa cháy:
+ Huy động lực lượng, phương tiện, tài sản, nguồn nước, chất và vật liệu chữa cháy để chữa cháy;
+ Xác định khu vực chữa cháy, đề ra và tổ chức thực hiện các biện pháp kỹ thuật, chiến thuật chữa cháy;
+ Đề ra các yêu cầu về bảo đảm giao thông, trật tự;
+ Tổ chức hậu cần chữa cháy, phục vụ chữa cháy và y tế;
+ Tổ chức thông tin liên lạc phục vụ chữa cháy;
+ Tổ chức công tác chính trị tư tưởng trong chữa cháy;
+ Tổ chức thông tin về vụ cháy;
+ Quyết định kết thúc hoạt động chữa cháy;
+ Phối hợp tổ chức bảo vệ hiện trường vụ cháy;
+ Tổ chức rút kinh nghiệm vụ cháy;
+ Đề xuất các yêu cầu khác phục vụ cho chữa cháy.
- Chỉ đạo chữa cháy được áp dụng đối với các trường hợp quy định tại Điều 39 Luật Phòng cháy và chữa cháy 2001. Nhiệm vụ của người chỉ đạo chữa cháy là tổ chức và chỉ đạo các hoạt động bảo đảm chữa cháy an toàn, hiệu quả và khắc phục hậu quả vụ cháy.
- Khi lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy chưa đến đám cháy, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trở lên có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 22 Nghị định 136/2020/NĐ-CP.
Khi lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy đến đám cháy thì người chỉ huy đơn vị Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy chịu trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ quy định tại khoản 1 Điều 22 Nghị định 136/2020/NĐ-CP; người đứng đầu cơ quan, tổ chức, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trở lên có trách nhiệm tham gia chỉ huy chữa cháy và thực hiện các nhiệm vụ chỉ đạo chữa cháy quy định tại khoản 2 Điều 22 Nghị định 136/2020/NĐ-CP.
Tô Quốc Trình