Những biện pháp tu từ môn Ngữ văn trong Chương trình GDPT 2018 (Hình từ internet)
Theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 môn Ngữ văn được ban hành kèm theo Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT thì các biện pháp tu từ được quy định bao gồm:
(1) Đối với học sinh lớp 3, lớp 4 và lớp 5: biết cách đọc diễn cảm văn bản văn học; kể lại, tóm tắt được nội dung chính của câu chuyện, bài thơ; nhận xét được các nhân vật, sự việc và thái độ, tình cảm của người viết trong văn bản; nhận biết được thời gian và địa điểm, một số kiểu vần thơ, nhịp thơ, từ ngữ, hình ảnh đẹp, độc đáo và tác dụng của các biện pháp tu từ nhân hoá, so sánh. Hiểu được ý nghĩa hoặc bài học rút ra từ văn bản. Viết được đoạn, bài văn kể chuyện, miêu tả thể hiện cảm xúc và khả năng liên tưởng, tưởng tượng.
Như vậy, các biện pháp tu từ nhân hóa, so sánh trong chương trình môn ngữ văn được dạy cho học sinh lớp 3, 4 và 5.
Nhân hóa là gọi vật hoặc tả con vật, cây cối, đồ vật,… bằng những từ ngữ vốn được dùng để gọi hoặc tả con người làm cho thế giới loài vật, đồ vật, cây cối,… trở nên gần gũi với con người, biểu thị được những suy nghĩ, cảm tính như con người.
So sánh là biện pháp tu từ dùng để đối chiếu hai sự vật, hiện tượng... với nhau. Trong đó các sự vật, hiện tượng này mặc dù khác nhau về tính chất nhưng lại có nét tương đồng ở cùng một khía cạnh nào đó. Ví dụ: Tối như mực, Nhát như thỏ đế,...
(2) Ở lớp 6 và lớp 7: nhận biết được đề tài, hiểu được chủ đề, ý nghĩa của văn bản đã đọc; nhận biết được truyện dân gian, truyện ngắn, thơ trữ tình và thơ tự sự; kí trữ tình và kí tự sự; nhận biết được chủ thể trữ tình, nhân vật trữ tình và giá trị biểu cảm, giá trị nhận thức của tác phẩm văn học; nhận biết và phân tích được tác dụng của một số yếu tố hình thức và biện pháp nghệ thuật gắn với đặc điểm của mỗi thể loại văn học (cốt truyện, lời người kể chuyện, lời nhân vật, không gian và thời gian, vần, nhịp, hình ảnh và các biện pháp tu từ như ẩn dụ, hoán dụ, nói quá, nói giảm nói tránh).
Như vậy, học sinh lớp 6 và lớp 7 được học các biện pháp tu từ như ẩn dụ, hoán dụ, nói quá, nói giảm nói tránh, trong đó:
- Ẩn dụ là biện pháp tu từ gọi tên sự vật, hiện tượng này bằng tên sự vật, hiện tượng khác có nét tương đồng với nó nhằm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.
- Hoán dụ là gọi tên sự vật, hiện tượng này bằng tên sự vật, hiện tượng khác có quan hệ gần gũi với nó nhằm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.
- Nói quá là biện pháp tu từ nhằm mục đích để có thể phóng đại mức độ, quy mô, tính chất của sự vật, sự việc, hiện tượng được miêu tả với mục đích tạo ấn tượng, tạo điểm nhấn và tăng sức biểu cảm cho sự diễn đạt.
- Nói giảm, nói tránh là một biện pháp tu từ dùng cách diễn đạt tế nhị, uyển chuyển, tránh gây cảm giác quá đau buồn, ghê sợ, nặng nề, tránh thô tục, thiếu lịch sự.
(3) Ở lớp 8 và lớp 9: hiểu được thông điệp, tư tưởng, tình cảm và thái độ của tác giả trong văn bản; nhận biết được kịch bản văn học, tiểu thuyết và truyện thơ Nôm, thơ cách luật và thơ tự do, bi kịch và hài kịch; nội dung và hình thức của tác phẩm văn học, hình tượng văn học; nhận biết và phân tích được tác dụng của một số yếu tố hình thức và biện pháp nghệ thuật thuộc mỗi thể loại văn học (sự kết hợp giữa lời người kể chuyện và lời nhân vật, điểm nhìn, xung đột, luật thơ, kết cấu, từ ngữ, mạch cảm xúc trữ tình; các biện pháp tu từ như điệp ngữ, chơi chữ, nói mỉa, nghịch ngữ). Nhận biết một số nét khái quát về lịch sử văn học Việt Nam; hiểu tác động của văn học với đời sống của bản thân.
Như vậy, học sinh lớp 8 và lớp 9 được học các biện pháp tu từ như điệp ngữ, chơi chữ, nói mỉa, nghịch ngữ.
>> Xem thêm: Chương trình giáo dục phổ thông 2018 môn Ngữ văn