Nhiệm vụ, quyền hạn của các Ủy viên Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính Phủ (Hình từ internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Ngày 02/4/2024, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ ban hành Quyết định 48/QĐ-BCĐCCHC về Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ.
Theo đó, tại Điều 6 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 48/QĐ-BCĐCCHC quy định nhiệm vụ, quyền hạn của các Ủy viên Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính Phủ như sau:
(1) Nhiệm vụ chung của các Ủy viên Ban Chỉ đạo:
- Tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm trước Trưởng Ban Chỉ đạo về kế hoạch, chương trình, nhiệm vụ công tác và kết quả các nhiệm vụ được phân công.
- Tham gia công tác chỉ đạo, phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính; xem xét nội dung các đề án, dự án quan trọng về cải cách hành chính của Chính phủ, các dự thảo nghị quyết, nghị định của Chính phủ, quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ có nội dung chủ yếu liên quan đến cải cách hành chính trước khi trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
- Đề xuất, kiến nghị với Ban Chỉ đạo các chủ trương, giải pháp, cơ chế, chính sách để triển khai thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính theo Nghị quyết 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 về ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 và các kế hoạch, chương trình của Chính phủ đối với các ngành, lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ được giao.
- Tham dự đầy đủ các cuộc họp của Ban Chỉ đạo, chuẩn bị ý kiến đóng góp về các vấn đề thuộc nội dung chương trình họp của Ban Chỉ đạo.
- Tham gia xây dựng, góp ý vào kế hoạch, báo cáo của Ban Chỉ đạo do cơ quan thường trực soạn thảo, đề xuất giải quyết các nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo; chủ trì hoặc tham gia các đoàn công tác của Ban Chỉ đạo theo kế hoạch và phân công.
- Ký các văn bản theo nhiệm vụ được phân công hoặc uỷ quyền và sử dụng con dấu của cơ quan mình.
- Báo cáo định kỳ kết quả công tác cải cách hành chính theo lĩnh vực, nhiệm vụ được phân công. Báo cáo của các thành viên Ban Chỉ đạo lồng ghép vào Báo cáo cải cách hành chính định kỳ của bộ, cơ quan theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Nội vụ.
- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Trưởng Ban Chỉ đạo.
(2) Nhiệm vụ cụ thể của một số Ủy viên Ban Chỉ đạo:
- Ủy viên Ban Chỉ đạo là Bộ trưởng Bộ Tư pháp: Tham mưu, giúp Trưởng Ban Chỉ đạo các biện pháp, giải pháp đẩy mạnh cải cách thể chế; đổi mới và nâng cao chất lượng công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật.
- Ủy viên Ban Chỉ đạo là Bộ trưởng Bộ Tài chính: Tham mưu, giúp Trưởng Ban Chỉ đạo các biện pháp, giải pháp đẩy mạnh cải cách tài chính công, hoàn thiện các cơ chế, chính sách về đổi mới cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.
- Ủy viên Ban Chỉ đạo là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ: Tham mưu giúp Trưởng Ban Chỉ đạo các biện pháp, giải pháp đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ; cải cách thủ tục hành chính; phát triển, nâng cao hiệu quả các Hệ thống thông tin, Cở sở dữ liệu được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; thông báo kết luận, chỉ đạo của Trưởng Ban Chỉ đạo.
- Ủy viên Ban Chỉ đạo là Thứ trưởng Bộ Công an: Tham mưu giúp Trưởng Ban Chỉ đạo các biện pháp, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính thuộc ngành, lĩnh vực quản lý.
- Ủy viên Ban Chỉ đạo là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng: Tham mưu giúp Trưởng Ban Chỉ đạo các biện pháp, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính thuộc ngành, lĩnh vực quản lý.
- Ủy viên Ban Chỉ đạo là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Tham mưu, giúp Trưởng Ban Chỉ đạo các biện pháp, giải pháp tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và những nội dung khác theo phân công của Thủ tướng Chính phủ.
- Ủy viên Ban Chỉ đạo là Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông: Tham mưu, giúp Trưởng Ban Chỉ đạo các biện pháp, giải pháp đẩy mạnh xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.
- Ủy viên Ban Chỉ đạo là Bộ trưởng Bộ Y tế: Tham mưu giúp Trưởng Ban Chỉ đạo các biện pháp, giải pháp đổi mới tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực y tế; đổi mới chính sách bảo hiểm y tế.
- Ủy viên Ban Chỉ đạo là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo: Tham mưu, giúp Trưởng Ban Chỉ đạo các biện pháp, giải pháp đổi mới tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
- Ủy viên Ban Chỉ đạo là Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: Tham mưu, giúp Trưởng Ban Chỉ đạo các biện pháp, giải pháp đổi mới tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp; đẩy mạnh cải cách chính sách tiền lương đối với người lao động trong các loại hình doanh nghiệp, chính sách bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công.
- Ủy viên Ban Chỉ đạo là Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ: Tham mưu, giúp Trưởng Ban Chỉ đạo các biện pháp, giải pháp hoàn thiện quy định pháp luật về đổi mới cơ chế tài chính cho hoạt động khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo; nghiên cứu, đề xuất các giải pháp đổi mới tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và cơ chế tự chủ của các tổ chức khoa học và công nghệ công lập.
- Ủy viên Ban Chỉ đạo là Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Tham mưu, giúp Trưởng Ban Chỉ đạo các biện pháp, giải pháp đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch.
- Ủy viên Ban Chỉ đạo là Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam và Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam: Tham mưu, giúp Trưởng Ban Chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền cải cách hành chính từ trung ương đến địa phương; xây dựng chuyên mục, chuyên trang về cải cách hành chính để tuyên truyền và tiếp nhận ý kiến phản hồi của người dân, doanh nghiệp, các cơ quan, tổ chức về cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp.
>>> Xem thêm nội dung: Danh sách 32 thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ