Buôn bán bó hoa bằng tiền có thể bị xử phạt?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
25/04/2024 10:15 AM

Những bó hoa bằng tiền hiện nay được bán rất nhiều trên thị trường. Vậy cho tôi hỏi, buôn bán bó hoa bằng tiền có thể bị xử phạt không? - Chị Tiên (Bắc Giang)

Buôn bán bó hoa bằng tiền có thể bị xử phạt? (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Thực trạng buôn bán bó hoa bằng tiền

Hoa luôn là một trong những sự lựa chọn tuyệt vời của mọi người nhất là của các quý ông dành tặng cho người phụ nữ của mình vào những dịp lễ. Thời gian gần đây, những bó hoa bằng tiền với nhiều mệnh giá khác nhau, tuy nhiên ẩn đằng sau vẻ đẹp và sự xa hoa ấy lại là nguy cơ bị xử phạt đối với những người làm bó hoa bằng tiền ấy.

Cần hiểu pháp luật không cấm hành vi làm hoặc buôn bán bó hoa, nhưng pháp luật nghiêm cấm hành vi hủy hoại tiền được quy định tại khoản 4 Điều 3 Nghị định 87/2023/NĐ-CP như sau:

Hủy hoại tiền Việt Nam trái pháp luật là hành vi cố ý làm rách nát, hư hỏng, biến dạng tiền Việt Nam.

2. Buôn bán bó hoa bằng tiền có thể bị xử phạt?

Thực tế mà nói, để có thể hoàn thành một bó hoa bằng tiền, những người làm sẽ dùng kéo hoặc dao rạch, xé các tờ giấy, tiền để có thể sử dụng đúng mẫu mình muốn. Ngoài ra khi vận chuyển và buôn bán, những bó hoa có thể bị vứt, bị nhàu nát, bị rách do tác động mạnh. Tất cả những điều ấy đều là hành vi phá hoại, hủy hoại tiền Việt Nam và có thể bị phạt.

Căn cứ Điều 31 Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định về bảo vệ tiền Việt Nam như sau:

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi phá hoại, hủy hoại tiền Việt Nam trái pháp luật.

- Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu toàn bộ tang vật, phương tiện thực hiện hành vi vi phạm tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 31 Nghị định 88/2019/NĐ-CP, giao cơ quan có thẩm quyền xử lý.

- Biện pháp khắc phục hậu quả:

+ Buộc đóng dấu, bấm lỗ tiền giả theo đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước về xử lý tiền giả, tiền nghi giả đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 2 Điều 31 Nghị định 88/2019/NĐ-CP;

+ Buộc tiêu hủy toàn bộ tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều 31 Nghị định 88/2019/NĐ-CP;

+ Buộc nộp vào ngân sách nhà nước số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều 31 Nghị định 88/2019/NĐ-CP.

3. Hủy hoại tiền có thể bị truy cứu hình sự?

Nếu người vi phạm sử dụng tiền của người khác trên 2 triệu đồng, cắt xé, làm thành những bó hoa bằng tiền thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản tại Điều 178 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017).

- Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

+ Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều 178 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) mà còn vi phạm;

+ Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

+ Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

+ Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;

+ Tài sản là di vật, cổ vật.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

+ Có tổ chức;

+ Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

+ Tài sản là bảo vật quốc gia;

+ Dùng chất nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;

+ Để che giấu tội phạm khác;

+ Vì lý do công vụ của người bị hại;

+ Tái phạm nguy hiểm.

- Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.

- Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.”.

- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Cần hiểu, tiền tệ nói chung không chỉ là công cụ trao đổi, thực hiện mua bán mà còn mang ý nghĩa to lớn của hình ảnh nhà nước. Do đó, những hành vi hủy hoại tiền hoàn toàn có thể bị truy cứu hình sự.

Nguyễn Minh Khôi

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,697

Bài viết về

lĩnh vực Trách nhiệm hình sự

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]