Hậu quả pháp lý của việc rút đơn khởi kiện

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
24/04/2024 15:30 PM

Cho tôi hỏi, rút đơn khởi kiện trong vụ án dân sự thì có thể sẽ xảy ra hậu quả pháp lý gì? – Minh Thư (Cao Bằng)

 

Hậu quả pháp lý của việc rút đơn khởi kiện

Hậu quả pháp lý của việc rút đơn khởi kiện (Hình từ internet)

Hậu quả pháp lý của việc rút đơn khởi kiện

Rút yêu cầu khởi kiện là một trong những quyền thuộc về quyền quyết định và tự định đoạt của người khởi kiện trong Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Nhưng ở mỗi giai đoạn khác nhau có quy định cách thức rút đơn khác nhau và hậu quả pháp lý cũng khác nhau.

- Giai đoạn trước khi thụ lý vụ án

Được quy định tại điểm g khoản 1 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, người nộp hồ sơ khởi kiện có quyền rút đơn khởi kiện.

Khi người khởi kiện rút đơn khởi kiện, Thẩm phán được phân công xem xét đơn khởi kiện sẽ trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện. Trường hợp này đương sự có quyền nộp lại đơn khởi kiện theo quy định tại khoản 3 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 2015.

- Giai đoạn sau khi Tòa án đã thụ lý vụ án

Theo điểm c khoản 1 Điều 217 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, khi người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện. Tòa án sẽ ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự.

Hậu quả của việc đình chỉ giải quyết vụ án dân sự đó là đương sự có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết lại vụ án dân sự, được trả lại tiền tạm ứng án phí mà đương sự đã nộp và được quyền kháng cáo Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự.

(Điều 218 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015)

- Giai đoạn tại phiên tòa sơ thẩm

Trường hợp có đương sự rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của mình và việc rút yêu cầu của họ là tự nguyện thì Hội đồng xét xử chấp nhận và đình chỉ xét xử đối phần yêu cầu hoặc toàn bộ yêu cầu đương sự đã rút

(Khoản 2 Điều 244 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015)

Những trường hợp đình chỉ giải quyết vụ án dân sự

Theo Điều 217 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, sau khi thụ lý vụ án, Tòa án sẽ ra quyết định đình chỉ vụ án nếu thuộc các trường hợp sau:

- Nguyên đơn hoặc bị đơn là cá nhân đã chết mà quyền, nghĩa vụ của họ không được thừa kế;

- Cơ quan, tổ chức đã bị giải thể, phá sản mà không có cơ quan, tổ chức, cá nhân nào kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của cơ quan, tổ chức đó;

- Người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện hoặc nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt, trừ trường hợp họ đề nghị xét xử vắng mặt hoặc vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan;

- Đã có quyết định của Tòa án mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã là một bên đương sự trong vụ án mà việc giải quyết vụ án có liên quan đến nghĩa vụ, tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã đó;

- Nguyên đơn không nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản và chi phí tố tụng khác theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

Trường hợp bị đơn có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập không nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản và chi phí tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này thì Tòa án đình chỉ việc giải quyết yêu cầu phản tố của bị đơn, yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;

- Đương sự có yêu cầu áp dụng thời hiệu trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ án và thời hiệu khởi kiện đã hết;

- Các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 192 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 này mà Tòa án đã thụ lý;

- Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

**Lưu ý:

Trường hợp vụ án mà bị đơn có yêu cầu phản tố; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập thì việc rút yêu cầu khởi kiện sẽ được giải quyết như sau:

- Bị đơn rút toàn bộ yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan rút toàn bộ yêu cầu độc lập thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án;

- Bị đơn không rút hoặc chỉ rút một phần yêu cầu phản tố thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn; bị đơn trở thành nguyên đơn, nguyên đơn trở thành bị đơn;

- Bị đơn rút toàn bộ yêu cầu phản tố, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan không rút hoặc chỉ rút một phần yêu cầu độc lập thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, yêu cầu phản tố của bị đơn; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trở thành nguyên đơn, người nào bị khởi kiện theo yêu cầu độc lập trở thành bị đơn.

(Khoản 2 Điều 217 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015)

Trương Quang Vĩnh

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5,707

Bài viết về

lĩnh vực Thủ tục tố tụng

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]