Làm giả giấy khám sức khỏe có thể bị truy cứu hình sự?(Hình từ internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Căn cứ khoản 1 Điều 9 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT được sửa đổi bởi khoản 5 Điều 4 Thông tư 05/2024/TT-BGTVT quy định về hồ sơ thi lái xe gồm:
- Đơn đề nghị học, sát hạch để cấp giấy phép lái xe theo mẫu quy định tại Phụ lục 7 ban hành kèm theo Thông tư 12/2017/TT-BGTVT;
- Bản sao giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn có ghi số giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân đối với người Việt Nam; hộ chiếu còn thời hạn đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài;
- Bản sao hộ chiếu còn thời hạn trên 06 tháng và thẻ tạm trú hoặc thẻ thường trú hoặc chứng minh thư ngoại giao hoặc chứng minh thư công vụ đối với người nước ngoài;
- Giấy khám sức khỏe của người lái xe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp theo quy định.
Như vậy, giấy khám sức khỏe là bắt buộc phải có trong bộ hồ sơ thi bằng lái, và nó phải được cơ sở y tế có thẩm quyền cấp theo đúng quy định của nhà nước.
Căn cứ Điều 341 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) quy định về tội làm giả con dấu tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức
- Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
+ Có tổ chức;
+ Phạm tội 02 lần trở lên;
+ Làm từ 02 đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;
+ Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng;
+ Thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;
+ Tái phạm nguy hiểm.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
+ Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên;
+ Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
+ Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.
- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Thực tế, khi làm giả giấy khám sức khỏe, những người thực hiện hành vi phạm tội trên thường không khám cho người mua hoặc khám rất sơ sài, dẫn đến vi phạm thêm quy định về khám sức khỏe tại khoản 1 Điều 16 Nghị định 117/2020/NĐ-CP.
- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
+ Cung cấp giấy khám sức khỏe khi không thực hiện việc khám đầy đủ các nội dung theo yêu cầu;
+ Phân loại sức khỏe không đúng với tình trạng sức khỏe của người yêu cầu khám sức khỏe.
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không bảo đảm một trong các điều kiện của cơ sở khám sức khỏe.
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi khám sức khỏe khi không công bố thực hiện việc khám sức khỏe.
- Hình thức xử phạt bổ sung:
+ Đình chỉ hoạt động khám sức khỏe của cơ sở trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi quy định tại khoản 2 Điều 16 Nghị định 117/2020/NĐ-CP;
+ Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi quy định tại khoản 3 Điều 16 Nghị định 117/2020/NĐ-CP.
Lưu ý: Căn cứ khoản 6 Điều 4 Nghị định 117/2020/NĐ-CP, mức phạt trên là dành cho cá nhân, nếu tổ chức vi phạm thì bị phạt gấp 02 lần.
Như vậy hành vi làm giả giấy khám sức khỏe có thể bị phạt hành chính từ 3 triệu đến 5 triệu đồng hoặc có thể bị truy cứu hình sự tội làm giả con dấu tài liệu của cơ quan, tổ chức với mức phạt có thể lên đến 7 năm tù giam.
Nguyễn Minh Khôi