TS NGUYỄN DUY HƯNG, Trưởng khoa Luật trường ĐH Thủ Dầu Một, Bình Dương
Đọc thông tin Chi cục Thi hành án (THA) dân sự quận 12 (TP.HCM) đang xúc tiến việc bồi thường tiền tỉ cho một người dân vì đã làm sai, gây thiệt hại cho họ trong quá trình tổ chức thi hành một bản án (báo Pháp Luật TP.HCM ngày 15-2), tôi thực sự bất ngờ, vì đây là trường hợp khá hiếm hoi khi cơ quan nhà nước thừa nhận sai và khắc phục ngay. Qua việc làm này, quyền lợi của người dân được bù đắp, Nhà nước được lợi cả về kinh tế lẫn uy tín.
Hành động kiên quyết sửa sai thể hiện thiện chí khắc phục hậu quả, sự sòng phẳng và dũng cảm của THA dân sự quận 12 (TP.HCM) khi trước đó đã lỡ làm sai là một điều đáng hoan nghênh.
Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định rất rõ khi cơ quan nhà nước (trong đó có THA) có lỗi gây thiệt hại trong hoạt động công vụ thì phải bồi thường. Người thi hành công vụ hoặc người chỉ đạo việc thi hành công vụ sai, gây ra thiệt hại cũng phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường. Trong vụ việc này, phần lỗi của cá nhân hay tập thể nhiều hoặc ít tôi không bàn vì kết quả xử lý của các cơ quan có thẩm quyền đã có. Song tôi muốn nói đến việc Chi cục THA dân sự quận đã không có tâm lý đùn đẩy hoặc chây ì trách nhiệm.
Thực tế đã chứng minh có nhiều vụ cơ quan chuyên ngành hoặc cấp trên có thẩm quyền đã xác định và chỉ ra cơ quan làm sai nhưng khi người dân yêu cầu bồi thường thì cơ quan đó tìm cách đá trái bóng trách nhiệm cho cơ quan khác hoặc hẹn hết lần này đến lần khác vì không muốn “ê mặt”, không muốn thừa nhận mình sai. Điều này cũng thể hiện ý thức thực thi pháp luật chưa cao dù cơ quan làm sai có thể là cơ quan đang được giao nhiệm vụ thực thi pháp luật. Thẳng thắn thừa nhận, khắc phục ngay hậu quả là biện pháp duy nhất làm cho quyền lợi của người dân được bảo đảm.
Việc Chi cục THA dân sự quận 12 chủ động gặp các đương sự để trao đổi và chuẩn bị mời đến để thỏa thuận mức bồi thường ngay sau khi Vụ Kiểm sát THA dân sự (VKSND Tối cao) kết luận lỗi là hành động đáng khen ngợi. Đây không chỉ là khắc phục hậu quả mà còn là hành động nỗ lực nhằm lấy lại uy tín của cơ quan nhà nước, nói nôm na là “ghi điểm” trong mắt người dân. Rõ ràng tính tự chịu trách nhiệm của cơ quan THA dân sự quận rất cao và đáng hoan nghênh, cần được các cơ quan khác tham khảo và nhân rộng. Về bản chất việc cơ quan làm sai tiến hành thương lượng bồi thường ngay cho người bị thiệt hại, chính là biện pháp giúp nhà nước hạn chế thiệt hại. Bởi chúng ta đều biết Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định số tiền bồi thường oan sai còn phải tính lãi suất theo ngân hàng. Như vậy nếu càng chây ì, đùn đẩy trong thời gian càng lâu thì số tiền phải bồi thường càng lớn, ngân sách nhà nước càng phải gánh chịu nhiều. Như vậy vô hình trung lúc này Nhà nước bị thiệt hại cả về kinh tế lẫn uy tín, trong khi niềm tin là thứ khó lấy nhưng dễ mất.
Tôi cho rằng thực thi pháp luật không cần phải dùng những lời lẽ “đao to búa lớn” mà hãy bằng những hành xử cụ thể, thiết thực và đúng pháp luật. Làm sai thì phải thừa nhận và sửa sai, âu cũng là một nguyên lý cơ bản trong một nền pháp luật có tính văn minh pháp lý cao.
Thanh Tùng
Theo Pháp luật TP.HCM
“Không được coi thường nỗi đau của người dân” Sau khi Pháp Luật TP.HCM đăng vụ Chi cục THA dân sự quận 12 làm sai đã chấp nhận bồi thường cho dân khoảng 1 tỉ đồng, chúng tôi đã nhận được chia sẻ của ông Vũ Đức Liêm (ảnh, người được Chi cục THA dân sự huyện Trảng Bom, Đồng Nai bồi thường gần 2,6 tỉ đồng). Ông Liêm nói: “Đọc báo, cả nhà tôi đều mừng cho ông Hiếu. Trong trường hợp có phải chịu thiệt 20-30 triệu đồng nhưng tôi thấy ông ấy vẫn còn may mắn hơn gia đình chúng tôi. Vụ việc của họ kéo dài mới có hai năm lại được THA quận 12 nhận trách nhiệm bồi thường như vậy còn gì bằng. Trong khi đó, bố con tôi phải vào tù, vợ qua đời vì quá đau buồn, tôi ngược xuôi vác đơn đi khiếu nại khắp nơi 18 năm trời ròng rã với tám phiên tòa hình sự, sáu phiên tòa dân sự, để rồi kết thúc bằng bản án phúc thẩm ngày 6-5-2013 của TAND tỉnh Đồng Nai buộc THA dân sự huyện Trảng Bom phải bồi thường cho tôi gần 2,6 tỉ đồng. Chặng đường gian truân như thế tưởng đâu công lý đã đến nhưng đã gần một năm trôi qua, tôi đã gửi tới bốn đơn khiếu nại lên Cục THA dân sự tỉnh Đồng Nai, mỗi lần như thế tốn 30.000-40.000 đồng, đâu phải ít tiền. Vậy mà tôi chỉ nhận được câu trả lời: “Khi nào Tổng cục THA ở Hà Nội chuyển tiền vào thì chúng tôi trả cho ông”. Ngày xưa, vợ tôi thiếu nợ người ta thì THA “nhiệt tình” kéo nhau tới nhà kê biên từ cái chén, cái đũa. Còn khi họ làm sai thì ì ạch, cả gần năm nay vẫn chưa chịu THA. Họ là những người làm luật nhưng đã không tôn trọng pháp luật, coi thường nỗi đau khổ của dân. Nay tôi đã 64 tuổi, chẳng còn sống được bao lâu, chỉ mong lấy được tiền mua một căn nhà để có chỗ thờ cúng nhưng... Đau lắm!”. Theo hồ sơ, trước đó, năm 1996, nguyên Đội trưởng Đội THA dân sự huyện Thống Nhất (nay là Chi cục THA dân sự huyện Trảng Bom) Đỗ Ngọc Chất đã ra 10 quyết định buộc vợ ông Liêm phải THA, trả nợ 309 triệu đồng và hơn 65 lượng vàng. Khi tổ chức bán đấu giá nhà, đất của vợ chồng ông Liêm để đảm bảo THA, ông Chất và chấp hành viên Phùng Thế San không đề cập gì đến quyền lợi của ông Liêm trong khối tài sản chung này. Bức xúc, ông Liêm và người con gái đầu (lúc đó đang là sinh viên) phản ứng việc cưỡng chế thì bị bắt, bị phạt tù về tội chống người thi hành công vụ. Ra tù ông làm đơn tố cáo hành vi sai phạm trên. Năm 2010, tòa tuyên phạt ông Chất 30 tháng tù treo... Ông Liêm tiếp tục khởi kiện ra tòa, đòi Chi cục THA dân sự huyện Trảng Bom bồi thường hơn 4 tỉ đồng vì đã gây thiệt hại cho mình. Ngày 6-5-2013, TAND tỉnh Đồng Nai xử phúc thẩm đã buộc Chi cục THA dân sự huyện Trảng Bom bồi thường cho ông Liêm gần 2,6 tỉ đồng. |