Điều kiện của tổ chức giám định tư pháp xây dựng theo vụ việc (Hình ảnh từ Internet)
Theo Điều 19 Luật Giám định tư pháp 2012 (sửa đổi tại khoản 28 Điều 1 Luật Giám định tư pháp sửa đổi 2020) quy định về tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc như sau:
- Tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc phải có đủ điều kiện sau đây:
+ Có tư cách pháp nhân;
+ Có hoạt động chuyên môn phù hợp với nội dung được trưng cầu, yêu cầu giám định;
+ Có điều kiện về cán bộ chuyên môn, cơ sở vật chất bảo đảm cho việc thực hiện giám định tư pháp.
- Tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc thực hiện giám định theo trưng cầu, yêu cầu giám định theo quy định của Luật Giám định tư pháp 2012. Người đứng đầu tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận và phân công người thực hiện giám định tư pháp.
- Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ thực hiện giám định tư pháp theo trưng cầu của người trưng cầu giám định.
Tại Điều 3 Nghị định 62/2016/NĐ-CP (sửa đổi tại khoản 2 Điều 8 Nghị định 35/2023/NĐ-CP) quy định Tổ chức giám định tư pháp xây dựng theo vụ việc phải đáp ứng quy định tại Điều 19 Luật Giám định tư pháp 2012 đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 28 Điều 1 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp 2020; trong đó, điều kiện hoạt động chuyên môn phù hợp được quy định như sau:
* Trường hợp giám định tư pháp về sự tuân thủ các quy định của pháp luật
- Đối với giám định sự tuân thủ các quy định của pháp luật về quy hoạch xây dựng: phải đáp ứng điều kiện năng lực của tổ chức lập thiết kế quy hoạch xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng, phù hợp với đối tượng và nội dung giám định; cá nhân chủ trì giám định phải đáp ứng tiêu chuẩn quy định tại điểm a khoản 1 Điều 2 Nghị định 62/2016/NĐ-CP;
- Đối với giám định sự tuân thủ các quy định của pháp luật về hoạt động đầu tư xây dựng: phải đáp ứng điều kiện năng lực hoạt động xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng để thực hiện một trong các công việc khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng, quản lý dự án đầu tư xây dựng, giám sát thi công xây dựng công trình, kiểm định xây dựng, quản lý chi phí đầu tư xây dựng, phù hợp với đối tượng và nội dung giám định; cá nhân chủ trì giám định phải đáp ứng tiêu chuẩn quy định tại điểm b khoản 1 Điều 2 Nghị định 62/2016/NĐ-CP.
* Trường hợp giám định tư pháp về chất lượng xây dựng công trình
- Đối với giám định chất lượng khảo sát xây dựng hoặc thiết kế xây dựng: phải đáp ứng điều kiện năng lực của tổ chức khảo sát xây dựng hoặc thiết kế xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng, phù hợp với đối tượng và nội dung giám định;
- Đối với việc giám định về chất lượng công trình xây dựng, bộ phận công trình xây dựng; giám định nguyên nhân sự cố công trình xây dựng, nguyên nhân hư hỏng công trình xây dựng; giám định chất lượng vật liệu xây dựng, cấu kiện, sản phẩm xây dựng, thiết bị công trình: phải đáp ứng điều kiện năng lực của tổ chức kiểm định xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng, phù hợp với đối tượng và nội dung giám định;
- Cá nhân chủ trì thực hiện giám định các nội dung quy định tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều 3 Nghị định 62/2016/NĐ-CP (sửa đổi tại khoản 2 Điều 8 Nghị định 35/2023/NĐ-CP) phải đáp ứng tiêu chuẩn tương ứng quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị định 62/2016/NĐ-CP.
* Trường hợp giám định chi phí xây dựng công trình, giá trị nhà ở và bất động sản: phải đáp ứng điều kiện năng lực của tổ chức tư vấn quản lý chi phí đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng, phù hợp với đối tượng và nội dung giám định; cá nhân chủ trì giám định phải đáp ứng tiêu chuẩn quy định tại khoản 3 Điều 2 Nghị định 62/2016/NĐ-CP.
Tô Quốc Trình