Nghĩa vụ chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ trong tố tụng dân sự

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
18/06/2024 16:45 PM

Dưới đây là bài viết về nghĩa vụ chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ trong tố tụng dân sự.

Nghĩa vụ chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ trong tố tụng dân sự (Hình từ internet)

1. Chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ trong tố tụng dân sự là gì?

Theo khoản 2 Điều 155 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ là số tiền cần thiết và hợp lý phải chi trả cho việc xem xét, thẩm định tại chỗ căn cứ vào quy định của pháp luật.

2. Nghĩa vụ chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ trong tố tụng dân sự

Nghĩa vụ chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ trong tố tụng dân sự được quy định tại Điều 157 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 như sau:

Trường hợp các bên đương sự không có thỏa thuận khác hoặc pháp luật không có quy định khác thì nghĩa vụ chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ được xác định như sau:

- Đương sự phải chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ nếu yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận.

- Trường hợp yêu cầu Tòa án chia tài sản chung thì mỗi người được chia tài sản phải chịu phần chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ theo tỷ lệ giá trị phần tài sản mà họ được chia.

- Trong vụ án ly hôn thì nguyên đơn phải nộp chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, không phụ thuộc vào việc Tòa án chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn. Trường hợp cả hai thuận tình ly hôn thì mỗi bên đương sự phải chịu một nửa chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ.

- Trường hợp đình chỉ giải quyết vụ án sau đây thì nguyên đơn phải chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ:

+ Người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện hoặc nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt, trừ trường hợp họ đề nghị xét xử vắng mặt hoặc vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan;

+ Bị đơn đồng ý thì chấp nhận việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn. Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án. Trong trường hợp này, các đương sự vẫn phải chịu án phí sơ thẩm theo quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm và phải chịu một nửa án phí phúc thẩm theo quy định của pháp luật.

- Trường hợp đình chỉ giải quyết việc xét xử phúc thẩm sau đây thì người kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm phải chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ:

+ Người kháng cáo rút toàn bộ kháng cáo hoặc Viện kiểm sát rút toàn bộ kháng nghị;

+ Người kháng cáo được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vắng mặt thì bị coi như từ bỏ việc kháng cáo và Tòa án đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với yêu cầu kháng cáo của người đó, trừ trường hợp người đó đề nghị xét xử vắng mặt thì Tòa án tiến hành phiên tòa phúc thẩm xét xử vắng mặt họ.

Trường hợp người kháng cáo vắng mặt vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì phải hoãn phiên tòa.

Trường hợp có nhiều người kháng cáo, trong đó có người kháng cáo được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vắng mặt nhưng không có đơn đề nghị xét xử vắng mặt thì coi như người đó từ bỏ việc kháng cáo và Tòa án đưa vụ án ra xét xử. Trong phần quyết định của bản án, Tòa án đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với phần kháng cáo của người kháng cáo vắng mặt đó.

Người không kháng cáo nhưng có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng cáo, kháng nghị và những người tham gia tố tụng khác đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì Tòa án tiến hành xét xử vụ án.

- Đối với các trường hợp đình chỉ giải quyết vụ án khác theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì người yêu cầu xem xét, thẩm định phải chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,293

Bài viết về

lĩnh vực Thủ tục tố tụng

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]