Chính sách tiền lương đối với sĩ quan quân đội, công an hiện nay bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Các bảng lương của các đối tượng chưa phù hợp, mức phụ cấp lãnh đạo thấp, chưa thể hiện rõ sự đãi ngộ tương xứng với mức độ trách nhiệm của sĩ quan lãnh đạo, chỉ huy ở từng cấp. Theo giám sát của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, một trong những vấn đề bất cập nổi cộm là “việc lấy quân hàm làm căn cứ xác định lương và chế độ, chính sách cho sĩ quan, người hưởng lương là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm cho cơ cấu đội ngũ sĩ quan mất cân đối và có nhiều bất cập giữa trách nhiệm và quyền lợi của sĩ quan".
Tăng lương công chức 2014 - có khả thi?
Thực tiễn thực hiện chính sách tiền lương ở nước ta, việc quy định cơ cấu tiền lương sĩ quan quân đội đã có thời gian dài bao gồm lương chức vụ chiếm tỷ lệ cao và phụ cấp cấp bậc tại Nghị định số 229-TTg ngày 13-6-1958 của Thủ tướng Chính phủ và quy định chế độ tiền lương của Quân đội nhân dân Việt Nam áp dụng đối với cán bộ từ cấp trung đội trưởng trở lên. Pháp luật của một số nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Liên bang Nga… hiện nay cũng quy định cơ cấu lương sĩ quan quân đội gồm lương chức vụ, lương quân hàm và các khoản phụ cấp khác. Trong đó, lương theo chức vụ chiếm tỷ trọng khá lớn trong cơ cấu tiền lương sĩ quan.
Theo nguồn tin của Chất lượng Việt Nam, mức lương khối lực lượng vũ trang sẽ được điều chỉnh sao cho có ít bậc lương hơn, không hoàn toàn phụ thuộc vào quân hàm. Như thế, lương khởi điểm của sĩ quan ra trường có thể sẽ cao hơn hiện nay, để động viên thanh niên ưu tú vào công an, quân đội. Mặt khác, cũng có đề xuất miễn phí tiền ăn của bộ đội, công an khi làm nhiệm vụ ở các đơn vị.
Trước dự thảo đề xuất này, nhiều người cho rằng, tại sao không cơ cấu lại bảng lương của công chức, viên chức ở khu vực bên ngoài quân đội, công an?
Trao đổi về điều này với chúng tôi, PGS Văn Như Cương cho biết, ông và GS Hoàng Tụy từng phản ánh trực tiếp với một đồng chí lãnh đạo về tăng lương cho giáo viên. Nhưng hiện nay, lượng công chức - viên chức quá nhiều, nên nếu tăng thì sẽ không còn ngân sách phục vụ các công việc khác.
Trước đó, Bộ Nội vụ từng đề xuất 2 phương án tăng lương công chức:
Với công chức chuyên môn
Phương án 1: Giữ nguyên tắc thiết kế bảng lương hiện hành (mỗi ngạch có một số bậc lương thâm niên) nhưng hoàn thiện theo hướng thu gọn các nhóm có cùng mức độ phức tạp trong công việc. Áp dụng với cán bộ, công chức trong các lĩnh vực hành chính (Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội), tòa án, kiểm sát, tư pháp.
Đồng thời đổi tên các loại công chức cho phù hợp với Luật Cán bộ, công chức:
Ngạch chuyên viên cao cấp và tương đương đổi tên loại A3 thành A1; gộp nhóm 1 và nhóm 2 thành 1 nhóm, có 6 bậc (bớt 1 bậc ở nhóm 1 như hiện nay).
Ngạch chuyên viên chính và tương đương: đổi tên loại A2 thành B; gộp nhóm 1 và nhóm 2 thành 1 nhóm; có 8 bậc (bớt 1 bậc ở nhóm 1 như hiện nay).
Ngạch chuyên viên và tương đương: Đổi tên loại A1 thành loại C1 có 9 bậc.
Ngạch cao đẳng: Đổi tên loại A0 thành loại C2, có 10 bậc.
Ngạch nhân viên: Đổi tên loại B và loại C thành loại D, trong đó có 2 nhóm, gồm: Nhóm D (loại B cũ); nhóm D2 (gộp nhóm C1, C2, C3 cũ).
Thực hiện chế độ nâng bậc thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn hiện nay.
Phương án này sẽ không làm xáo trộn bảng lương hiện hành, giữ ổn định khi xếp lương cũ sang mới. Tuy nhiên, do chỉ có một số bậc lương theo thâm niên nên phải tiếp tục duy trì chế độ phụ cấp thâm niên vượt khung, nên thực chất là bậc lương kéo dài nhưng không được xét hưởng trước thời hạn như chế độ nâng lương.
Phương án 2: Thiết kế bảng lương theo nguyên tắc, mỗi ngạch công chức chỉ có một mức lương, bãi bỏ chế độ phụ cấp thâm niên vượt khung.
Với phương án này sẽ bỏ được chế độ phụ cấp thâm niên vượt khung và đảm bảo quyền lợi công chức mà không bị quy định quá nhiều bậc lương, không bị hiểu nhầm là có “bậc treo”. Đồng thời thể hiện rõ quy định tiền lương theo mỗi vị trí việc làm. Tuy nhiên, cần phải thay đổi quy định về chế độ, chính sách với cán bộ, công chức gắn với ngạch, bậc lương.
Với cán bộ, công chức lãnh đạo
Phương án 1: Thiết kế bảng lương chức vụ đối với các chức danh từ Bộ trưởng trở lên và cán bộ cấp xã chưa qua đào tạo. Các chức danh cán bộ và công chức giữ chức danh lãnh đạo còn lại xếp lương chuyên môn, nghiệp vụ cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo như hiện nay.
Quy định các nhóm chức danh của cán bộ và công chức giữ chức danh lãnh đạo tương đương nhau trong hệ thống chính trị ứng với một ngạch trong bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ.
Phương án này sẽ không làm xáo trộn hệ thống thang, bảng lương hiện hành, thuận lợi cho điều động, luân chuyển cán bộ. Nhưng lại phải quy định thêm các ngạch công chức chuẩn ứng với từng nhóm chức danh cán bộ và công chức giữ chức danh lãnh đạo trong hệ thống chính trị.
Phương án 2: Thiết kế 1 bảng lương chức vụ áp dụng cho tất cả chức danh lãnh đạo từ Trung ương đến cấp xã. Mỗi chức danh thiết kế một chức vụ. Nếu đảm nhiệm thêm chức danh từ nhiệm kỳ 2 thì cứ 5 năm được hưởng thêm 5% lương hiện hưởng. Khi thôi chức danh lãnh đạo để làm công chức chuyên môn thì được bổ nhiệm vào ngạch công chức đã được xếp trước khi xếp lương chức vụ.
Với phương án này, tiền lương được gắn với vị trí chức danh, tương quan tiền lương thể hiện rõ thứ bậc trong hệ thống chính trị.
Tuy nhiên, nó lại làm xáo trộn tương quan tiền lương trong đội ngũ cán bộ, công chức. Công chức chuyên môn, nghiệp vụ đang được hưởng mức lương ngạch, bậc thấp được bầu cử hoặc bổ nhiệm làm lãnh đạo có thể tăng đột biến, nên không khuyến khích công chức đi theo con đường chuyên môn, nghiệp vụ.
Hiện nay, mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với doanh nghiệp từ ngày 1/1/2014 như sau: Vùng I: 2.700.000 đồng/tháng; vùng II: 2.400.000 đồng/tháng; vùng III: 2.100.000 đồng/tháng; vùng IV: 1.900.000 đồng/tháng.
Như vậy, mức lương tối thiểu vùng mới cao hơn mức lương hiện nay từ 250.000-350.000 đồng/tháng.
Thu Hà
Theo vietq.vn