Bắt đầu từ hôm nay (18-3), trần lãi suất tiền gửi sẽ thiết lập mặt bằng mới. Theo đó, lãi suất tối đa với tiền gửi VND không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới một tháng giảm từ 1,2%/năm xuống 1%/năm; lãi suất tối đa tiền gửi có kỳ hạn từ một tháng đến dưới sáu tháng giảm từ 7%/năm xuống 6%/năm. Riêng lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ sáu tháng trở lên sẽ do các tổ chức tín dụng (TCTD) ấn định trên cơ sở cung-cầu vốn thị trường và thỏa thuận với khách hàng. Đó là thông tin được lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra trong buổi họp báo thường kỳ tháng 3, chiều 17-3.
Lãi suất huy động, cho vay ngắn hạn giảm
Lý giải về đợt điều chỉnh giảm trần lãi suất huy động đầu tiên của năm 2014, bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ, cho rằng điều kiện để giảm lãi suất là do diễn biến kinh tế vĩ mô hai tháng đầu năm ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 dự báo vẫn tăng rất thấp khoảng 0,2%, đạt mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua. Lạm phát năm nay kỳ vọng dưới 7%. Ngoài ra, lượng huy động vốn của hệ thống sau tết tăng trở lại, đến thời điểm này đạt mức 1,92%. “Thanh khoản VND các ngân hàng ổn định biểu hiện qua lãi suất liên ngân hàng không có biến động. Điều này cho thấy các ngân hàng không còn khó khăn về thanh khoản để phải huy động vốn với lãi suất cao” - bà Hồng khẳng định.
Chia sẻ thêm về việc hạ lãi suất huy động, ông Nguyễn Đồng Tiến, Phó Thống đốc NHNN, cho rằng lãi suất huy động giảm thì ngân hàng phải giảm lãi suất cho vay. Bà Nguyễn Thị Hồng nói thêm: “NHNN cũng đã ban hành quyết định giảm lãi suất cho vay đối với một số đối tượng ưu tiên. Cụ thể, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao giảm từ 9%/năm xuống 8%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 10%/năm xuống 9%/năm”.
Việc gửi VND vào ngân hàng vẫn là kênh an toàn, hiệu quả. Ảnh: HTD
Bên cạnh đó, trong thời gian tới, NHNN sẽ quy định mức lãi suất cho vay với mức lãi suất tối đa là 7%/năm đối với khoản vay ngắn hạn và là 10%-10,5%/năm đối với khoản vay trung, dài hạn áp dụng với các doanh nghiệp thực hiện thu mua tạm trữ vụ đông xuân 2014 và chương trình thí điểm các mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp.
Ngân hàng cần linh hoạt hơn
Nhận định về mức lãi suất thoáng hơn, ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, cho biết: “Hiện nay có khoản vay ngân hàng áp dụng mức lãi suất chưa đến 5% chứ không nhất thiết là lãi suất huy động 6%, cho vay 8%. Tùy vào nhu cầu, điều kiện để áp dụng các mức thỏa thuận”.
Trong khi đó, Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến cho biết đối với các khoản cho vay trung, dài hạn; NHNN không quy định trần lãi suất cho vay mà dành quyền chủ động cho các TCTD trong việc xác định các mức cụ thể trên cơ sở xem xét dự án vay, luồng tiền trả nợ của khách hàng. Tuy nhiên, lãi suất ngắn hạn có mối quan hệ trực tiếp đến dài hạn, nếu ngắn hạn giảm thì dài hạn cũng sẽ giảm theo.
Nhà đầu tư vẫn ưu tiên gửi ngân hàng
Ông Tiến còn nhận định giảm lãi suất chỉ là một biện pháp điều hành chính sách tiền tệ và tiền tệ chỉ là một giải pháp trong điều hành vĩ mô. Đưa lãi suất xuống là cơ sở khuyến khích đẩy mạnh tín dụng. Các giải pháp của NHNN nhằm mục tiêu gắn kết ngân hàng với khách hàng, tạo liên kết trong sản xuất, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn bằng cách xem xét cho vay.
Tuy nhiên, động thái giảm trần lãi suất huy động của NHNN dẫn đến lo ngại sẽ gây tâm lý lo lắng cho người gửi tiền. Ông Tiến cho biết: “NHNN cũng đã tính đến vấn đề này nhưng qua phân tích thấy các điều kiện thị trường, đặc biệt là khả năng kiểm soát lạm phát của Chính phủ thì kênh gửi tiết kiệm vẫn là lựa chọn thích hợp thời điểm hiện tại”. Vị này nói thêm các ngân hàng đã có động thái giảm lãi suất trong thời gian gần đây nhưng vẫn không giảm khả năng huy động vốn. Với nhà đầu tư có tiền gửi thì việc gửi VND vào ngân hàng vẫn là kênh an toàn, hiệu quả và xu hướng này có thể vẫn được xã hội chấp nhận.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Trần Xuân Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng BIDV, cho hay từ đầu năm đến nay, tốc độ huy động vốn cao hơn nhiều so với cho vay. Lãi suất tiền gửi ngắn hạn giảm nhưng dài hạn vẫn duy trì mức hợp lý nên người dân đang có xu hướng gửi tiết kiệm dài hạn, vì đây là kênh đầu tư an toàn. Do đó, trong hai tháng qua, huy động tiền gửi của BIDV tăng 1,2%.
Trà Phương
Theo Pháp luật TP. HCM
Giảm lãi suất nên kết hợp kích cầu tiêu dùng Ngay sau khi NHNN phát đi thông điệp chính thức về điều hành lãi suất, ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, chia sẻ việc giảm trần lãi suất xuống 1% của NHNN là biện pháp tích cực trong bối cảnh kinh tế hiện nay. Tuy nhiên, ông Hưởng nhận định “dù có hạ lãi suất xuống thấp nữa thì doanh nghiệp cũng chưa thể thoát khỏi khó khăn. Vấn đề mấu chốt của doanh nghiệp hiện nay không nằm ở lãi suất (đầu vào), mà là ở khâu giải quyết hàng hóa (đầu ra). Muốn giải quyết triệt để khó khăn, Nhà nước phải có cơ chế đổi mới việc sử dụng tài chính công theo hướng kích cầu tiêu dùng để doanh nghiệp sản xuất và bán được hàng hóa. Khi doanh nghiệp sản xuất và bán được hàng hóa mới thoát khó khăn. Bây giờ doanh nghiệp cũng không biết vay để làm gì và ngân hàng vẫn tiếp tục ứ đọng vốn. Đây là thời điểm tốt nhất huy động trái phiếu Chính phủ để đầu tư công, nhằm kích cầu để tăng trưởng tín dụng. |