Các nhân chứng trong phiên tòa xử “kỳ án vườn mít” đã phải mất nhiều năm trời tham gia tố tụng - Ảnh: Lê Nga
Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất cách tính tiền lương cho người làm chứng theo số ngày thực tế tham gia phiên tòa, phiên họp và các hoạt động tố tụng khác giải quyết vụ án hình sự, vụ việc dân sự, vụ việc hành chính. Người làm chứng tại phiên tòa hình sự, dân sự, hành chính có thể nhận lương bằng 200% mức lương cơ sở theo ngày. Mức thù lao, tiền công cho việc làm chứng tại phiên họp giải quyết vụ việc và các hoạt động tố tụng khác giải quyết vụ án hình sự thấp hơn, bằng 50% so với việc làm chứng tại phiên xét xử.
Cụ thể, tiền lương áp dụng trong trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng triệu tập hoặc do tòa án triệu tập theo yêu cầu của đương sự đối với người thực hiện giám định, người thực hiện định giá tham gia phiên tòa giải quyết vụ án hình sự, vụ việc dân sự, vụ việc hành chính với vai trò người làm chứng. Mức tiền lương cho người làm chứng được hưởng bằng 200% mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, tính theo ngày lương do nhà nước quy định.
Trường hợp không được hưởng tiền lương như quy định, Bộ Tài chính cũng đề xuất người làm chứng tham gia phiên tòa giải quyết vụ án hình sự, vụ việc dân sự, vụ việc hành chính được hưởng thù lao bằng 100% mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, tính theo ngày lương do nhà nước quy định.
“Xin” chi phí quá nhiêu khê
Dự thảo cũng quy định người làm chứng, người phiên dịch được thanh toán chi phí đi lại, chi phí lưu trú và các chi phí khác theo quy định khi kết thúc công việc làm chứng, phiên dịch được triệu tập tại phiên tòa, phiên họp giải quyết vụ án hình sự, vụ việc hành chính và dân sự (điều 16 dự thảo).
Tuy nhiên bất hợp lý là ở chỗ, người làm chứng, người phiên dịch phải gửi hồ sơ đề nghị thanh toán đến cơ quan tiến hành tố tụng để “chờ” được thanh toán. “Trong thời hạn tối đa là 15 ngày, kể từ ngày nhận được đầy đủ giấy đề nghị theo quy định, căn cứ vào kết quả xác định chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch và ý kiến của các cơ quan có liên quan (nếu có), cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm thanh toán chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch”, dự thảo nêu rõ.
Trong khi đó, luật sư (LS) Nguyễn Thành Công (Đoàn LS TP.HCM), cho rằng thời gian, công sức bỏ ra làm chứng cho một phiên tòa cũng đủ làm nhiều người mệt mỏi, nay còn quy định lập hồ sơ thủ tục “xin” lại chi phí đi lại, lưu trú là quá nhiêu khê. “Tại sao không giải quyết nhanh gọn ngay trong ngày kết thúc phiên tòa cho người làm chứng đỡ khổ hoặc khoán luôn tiền tàu xe bao nhiêu/km, một ngày người ngoài tỉnh lưu trú là bao nhiêu và cứ thế nhân với số ngày tham dự phiên tòa, thay vì áp dụng định mức chi công tác phí như các đơn vị sự nghiệp”, LS Công phân tích.
LS Nguyễn Đức Chánh (Đoàn LS TP.HCM) kiến nghị nên chăng ngoài mức tiền lương, tiền công như dự thảo nghị định thì cần có chế độ khuyến khích vật chất và tinh thần đối với những người làm chứng nhằm động viên họ tự nguyện và có trách nhiệm khai báo những tình tiết mà mình biết cho cơ quan tiến hành tố tụng nhanh chóng phát hiện tội phạm. Vì hiện nay, theo quy định pháp luật thì phần nghĩa vụ của người làm chứng đang “nặng” hơn quyền lợi mà họ có được.
Quan trọng là “thái độ”
Dù đánh giá cao dự thảo song LS Trương Anh Tú (Đoàn LS Hà Nội) cũng bày tỏ băn khoăn về quy định thời gian tiến hành thanh toán là “khi kết thúc công việc làm chứng, phiên dịch được triệu tập tại phiên tòa”. “Quy định này là chưa hợp lý bởi không phải người làm chứng nào cũng đủ điều kiện tự trang trải chi phí trong suốt quá trình tố tụng kéo dài rồi sau đó mới được thanh toán. Hơn thế nữa, các chứng từ, hóa đơn để xin thanh toán rất dễ bị thất lạc, mất mát khi thời gian giải quyết vụ án quá lâu dẫn đến người làm chứng không được thanh toán các chi phí họ đã bỏ ra là rất thiệt thòi”, LS Tú nói.
LS Tú cũng lưu ý, đối với nhiều người làm chứng điều quan trọng nhất không phải là khoản tiền họ được chi trả cho việc làm chứng mà hơn hết đó là thái độ của cơ quan tiến hành tố tụng đối với họ. Họ là “người làm chứng”, là người giúp cho vụ án được giải quyết một cách khách quan, toàn diện, đúng pháp luật, không phải là người phạm tội nhưng trong nhiều trường hợp họ bị đối xử như một người phạm tội. Họ bị gọi đi “lấy lời khai” bất kể lúc nào, họ bị mất việc, bị điều tiếng không hay, gặp nhiều phiền toái trong cuộc sống do đi làm chứng nhưng lại không nhận được bất kỳ một lời giải thích nào từ phía người có thẩm quyền. Do đó, điều quan trọng không chỉ là bù đắp những chi phí người làm chứng phải bỏ ra để đi làm chứng mà quan trọng hơn là pháp luật cần phải có những quy định cụ thể, chặt chẽ để bảo vệ tối đa quyền lợi của người làm chứng, giảm thiểu những tác động tiêu cực của việc làm chứng lên cuộc sống thường nhật của họ.
“Hơn thế nữa, cần phải có một cuộc cải cách về thái độ làm việc đối với người làm chứng của cơ quan tiến hành tố tụng để nhân chứng không còn sợ phải làm chứng trong các vụ án”, LS Tú nói.
Mức tối đa cũng quá “bèo” LS Nguyễn Đức cho rằng, mức tiền lương và thù lao mà dự thảo nghị định đưa ra là quá thấp. Ông dẫn chứng: Theo khoản 2, điều 3, Nghị định 66/2013/NĐ-CP, từ ngày 1.7.2013 mức lương cơ sở là 1.150.000 đồng/tháng. “Như vậy, tính ra 1 ngày lương cơ sở là hơn 50.000 đồng. Nếu tính theo dự thảo nghị định thì mức cao nhất mà người làm chứng hưởng là hơn 100.000 đồng. Mà chỉ có người giám định, người thực hiện định giá tham gia làm chứng ở phiên tòa mới được hưởng mức tối đa này, các đối tượng khác chỉ được 50.000 đồng/ngày. Đặc biệt nếu không phải làm chứng ở tòa thì có khi chỉ được 25.000 đồng/ngày”, LS Chánh nói. |
Lê Nga - Thái Sơn
Theo Thanh Niên