Biển cấm và thói quen… không đọc

20/03/2014 08:54 AM

Ở đô thị ta có nhiều cái biển hay thật! Như từ khi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá có hiệu lực thì ở nhiều nơi thấy xuất hiện những cái biển có nội dung như sau: “Hút thuốc tại nơi có quy định cấm bị xử phạt theo quy định của pháp luật”.

Chưa nói đến chuyện lời cảnh báo này được diễn đạt lôi thôi, dài dòng với 2 từ “quy định” chỉ trong một câu, mà ý nghĩa cũng không rõ ràng. Chẳng thế mà có những người nghiện thuốc ưa lý sự thì nại ra rằng, vì “cấm bị xử phạt” nên cứ… hút thoải mái! Lẽ ra, chỉ cần thêm một dấu phẩy hoặc từ “sẽ” thì mọi sự sáng rõ: “Hút thuốc tại nơi có quy định cấm, sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật”. Đơn giản hơn nữa, tại những nơi đã có quy định cấm chỉ cần đặt biển: “Cấm hút thuốc”.

Cũng chỉ tại không để ý cách trình bày, ngắt dòng tùy tiện nên có pano cổ động bị đọc chệch ra là “Mỗi gia đình hai con vợ - chồng hạnh phúc” (Mỗi gia đình hai con, vợ chồng hạnh phúc). Một pano khác trên đường từ Hà Nội đi Lạng Sơn cũng được nhiều người để ý: “Quyết tâm xây dựng nếp sống văn minh, làm đẹp bộ mặt Mẹt (thị trấn Mẹt thuộc huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn; cách Hà Nội khoảng 80km)”. Nội dung tốt, chẳng có gì phải phàn nàn. Hiềm nỗi cụm từ “bộ mặt mẹt” (dù ở đây là tên riêng) đã đi vào kho tàng tục ngữ dân gian với ý nghĩa chẳng hay ho cho lắm. Không biết giờ pano này đã được thay thế hay chưa… 

Có nhiều biển hiệu, pano mờ nghĩa hoặc gây nên suy diễn khá nực cười, nhưng cũng cần nói thêm rằng trong nhiều trường hợp, người đô thị có thói quen… không đọc.

Ở ngoài đường, họ ít khi đọc biển báo giao thông hoặc có đọc, nhưng mặc kệ. Thế nên mới đây tại Hà Nội có cô sinh viên ngân hàng trèo qua dải phân cách sang đường ở chỗ không dành cho người đi bộ đã bị đâm trọng thương bởi một tài xế đã bất cẩn lại còn vô trách nhiệm. Trường hợp này thật đáng thương, nhưng phần nào đó cũng đáng trách.

Ở các công sở, nhiều người không đọc hướng dẫn. Ví như ở nơi làm hộ chiếu hay thủ tục cấp đăng ký xe, bằng lái xe, họ luôn nháo nhác hỏi nhân viên và không ít lần bị… lườm nguýt vì hướng dẫn đã được công khai, khá đầy đủ, chi tiết; nhưng vì không đọc kỹ để chuẩn bị cho đúng nên luôn bị chỗ thiếu chỗ thừa.

Chắc hẳn đô thị sẽ văn minh hơn nhiều, nếu người soạn ra biển hiệu để tâm hơn đến công việc này, còn người đô thị thì tập cho mình thói quen quan sát, hiểu và thực hiện đúng các quy định của pháp luật.     

Cẩm Hà

Theo Báo Hải quan

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,212

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]