Bộ Xây dựng “né”?
Luật Nhà ở năm 2005 quy định, quản lý và giữ 2% phí bảo trì chung cư thuộc về ban quản trị (BQT). Ban này được bầu ra từ hội nghị chung cư, được sự công nhận hợp pháp của chính quyền địa phương. Việc sử dụng kinh phí này phải được sự thống nhất của cư dân. Luật quy định vậy, nhưng thực tế nhiều chủ đầu tư không chịu “nhả” ra, chẳng hạn tại chung cư Orient Apartment, quận 4, TPHCM, cư dân đấu tranh với chủ đầu tư là Công ty cổ phần Thủy sản số 4, gần 4 năm qua nhưng chủ đầu tư vẫn “ôm” 7,8 tỷ đồng phí bảo trì (tạm tính đến tháng 11-2013).
Tại chung cư Ehome 2, quận 9, trong khi BQT yêu cầu chuyển số tiền này thì chủ đầu tư nhất quyết không giao với lý do sợ… mất. Tại TPHCM không hiếm trường hợp tranh chấp như vậy, lẽ ra pháp luật đã minh định việc giữ phí bảo trì thuộc về cư dân nhưng chủ đầu tư “cù cưa” thì không có cơ quan nào đứng ra phân xử. Điều này khiến cư dân nghĩ rằng, chủ đầu tư giữ được thêm ngày nào hay ngày đó, chỉ gửi ngân hàng thôi cũng là nguồn thu không nhỏ, không biết làm cách nào để dành lại.
Nhưng nay dự thảo Luật Nhà ở lại sửa đổi theo hướng khác. Theo đó, tại khoản 2 Điều 105 nêu: Cơ quan quản lý nhà ở cấp huyện nơi có chung cư có trách nhiệm lập một tài khoản riêng tại ngân hàng thương mại đang hoạt động trên địa bàn để quản lý kinh phí bảo trì phần sở hữu chung cho các chung cư trên địa bàn. Khi cần sửa chữa, BQT chung cư phối hợp với đơn vị quản lý vận hành chung cư lập dự toán kinh phí rồi gửi cho cơ quan quản lý nhà ở cấp huyện. Tiếp đó, chính quyền sẽ có văn bản gửi ngân hàng đang giữ tài khoản này đề nghị giải ngân…
Sau khi thẩm tra sơ bộ dự án Luật Nhà ở sửa đổi này, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội lại có ý kiến khác. Theo đó, việc giao cơ quan quản lý nhà ở cấp huyện (phòng xây dựng), nơi có chung cư quản lý 2% kinh phí bảo trì chung cư là không hợp lý, bởi vì theo quy định của pháp luật, cơ quan này thuộc cơ cấu tổ chức của UBND cấp huyện, có chức năng tham mưu, giúp UBND cùng cấp quản lý nhà nước về lĩnh vực nhà ở, chứ không phải tổ chức sự nghiệp có tư cách pháp nhân độc lập.
Do đó, việc giao quản lý 2% kinh phí bảo trì nhà chung cư là không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà ở cấp huyện. Vì vậy cơ quan này tiếp tục đề nghị BQT chung cư tiếp tục quản lý, phải có quy định chặt chẽ về trách nhiệm và cơ chế hoạt động của BQT; sử dụng phải tuân theo quy định của pháp luật và quy chế quản lý, sử dụng chung cư!
Tiếp tục tranh cãi
Mới đây, dự thảo luật đưa ra lấy ý kiến tại TPHCM, chủ đề này tiếp tục gây tranh cãi. Ông Đoàn Nhật, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, nêu thực trạng: Có chung cư tổ chức hội nghị để bầu BQT nhưng không có ai ra ứng cử. Do đó, tốt nhất nên để chủ đầu tư ôm phí bảo trì chung cư này, chính họ mới biết rõ chất lượng công trình, nên để họ có trách nhiệm quản lý hết tuổi thọ công trình.
Dẫn chứng bằng sự hiểu biết, TS Trần Du Lịch, Phó Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, kể: Trên thế giới hầu hết chủ đầu tư sở hữu đất vô thời hạn, còn người mua chỉ sở hữu bằng tuổi thọ công trình. Như vậy chủ đầu tư có trách nhiệm hết công trình, nếu cái gì không được thì kiện ra tòa. Trong trường hợp chủ đầu tư giải thể thì chính quyền sẽ tiếp quản. Việc bán có thời hạn cũng góp phần giảm giá thành căn nhà. Nếu tiếp tục cách làm như hiện nay sẽ còn rối rắm.
Tuy nhiên, ông Trần Hoàng Ngân, đại biểu Quốc hội, nêu ý kiến khác: “Tôi ở nhiều chung cư lắm. Về phí bảo trì 2%, có nơi chủ đầu tư làm tốt nhưng có nơi kém, đưa về BQT cư dân làm tốt hơn. Tôi thấy cái này cần nghiên cứu thêm”.
Thực tế cho thấy phí bảo trì là vấn đề hết sức quan trọng, nhạy cảm, do đó việc sửa đổi lần này cần lấy ý kiến rộng rãi, đặc biệt là những người cư ngụ tại chung cư, tránh tình trạng luật thiếu thực tế.
Liên Thượng
Theo Sài Gòn Giải Phóng