Phân loại nợ, sử dụng dự phòng rủi ro cho vay của Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
14/10/2024 07:00 AM

Bài viết sau có nội dung về phân loại nợ, sử dụng dự phòng rủi ro cho vay của Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã được quy định trong Nghị định 45/2021/NĐ-CP.

Phân loại nợ, sử dụng dự phòng rủi ro cho vay của Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã

Phân loại nợ, sử dụng dự phòng rủi ro cho vay của Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã (Hình từ Internet)

1. Phân loại nợ, sử dụng dự phòng rủi ro cho vay của Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã

Theo quy định tại Điều 28 Nghị định 45/2021/NĐ-CP thì việc phân loại nợ, trích lập, sử dụng dự phòng rủi ro cho vay của Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã được thực hiện như sau:

- Quỹ hợp tác xã thực hiện phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro đối với các khoản cho vay chịu rủi ro và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro cho vay theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với tổ chức tài chính vi mô.

- Đối với những khoản cho vay ủy thác hoặc nhận ủy thác mà Quỹ hợp tác xã không chịu rủi ro thì không trích lập dự phòng rủi ro.

- Sau 05 năm kể từ ngày sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro cho vay và đã sử dụng mọi biện pháp mà không thu hồi được nợ, căn cứ đề nghị của Hội đồng xử lý rủi ro của Quỹ hợp tác xã:

+ Đối với Quỹ hợp tác xã trung ương: Chủ tịch Quỹ hợp tác xã Việt Nam quyết định xuất toán khoản nợ đã chuyển theo dõi ngoại bảng trên cơ sở phê duyệt của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam sau khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ;

+ Đối với Quỹ hợp tác xã địa phương hoạt động theo mô hình Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ: Chủ tịch Quỹ hợp tác xã địa phương quyết định xuất toán khoản nợ đã chuyển theo dõi ngoại bảng trên cơ sở phê duyệt của Liên minh hợp tác xã cấp tỉnh sau khi báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

- Đối với Quỹ hợp tác xã địa phương hoạt động theo mô hình hợp tác xã: Chủ tịch Hội đồng quản trị Quỹ hợp tác xã địa phương quyết định xuất toán khoản nợ đã chuyển theo dõi ngoại bảng sau khi được Đại hội thành viên của Quỹ hợp tác xã thông qua.

- Căn cứ quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 28 Nghị định 45/2021/NĐ-CP, Quỹ hợp tác xã ban hành quy định nội bộ về phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro cho vay theo quy định tại Nghị định 45/2021/NĐ-CP.

2. Chính sách tiếp cận vốn, bảo hiểm của hợp tác xã

Chính sách tiếp cận vốn, bảo hiểm của hợp tác xã được quy định cụ thể tại Điều 23 Luật Hợp tác xã 2023 như sau:

- Tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được thụ hưởng chính sách tiếp cận vốn như sau:

+ Vay vốn ưu đãi từ các tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật;

+ Hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư, bảo lãnh tín dụng đầu tư từ Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã theo quy định của Chính phủ;

+ Ưu tiên tiếp cận nguồn vốn từ các quỹ phát triển khoa học và công nghệ, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và các định chế tài chính theo quy định của pháp luật vì mục tiêu phát triển bền vững;

+ Hỗ trợ tăng cường năng lực tài chính cho hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng;

+ Ưu tiên, hỗ trợ tham gia hoạt động xúc tiến đầu tư của các bộ, ngành, địa phương.

- Tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được hỗ trợ phí bảo hiểm đối với tài sản chung không chia tham gia bảo hiểm của tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm.

- Thành viên của tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã mà không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 237

Bài viết về

lĩnh vực Doanh nghiệp

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]