Cập nhật Văn bản hợp nhất Luật Thi hành án dân sự mới nhất (Hình từ Internet)
Văn phòng Quốc hội ban hành Văn bản hợp nhất 02/VBHN-VPQH ngày 16/9/2024 năm 2024 hợp nhất Luật Thi hành án dân sự.
Luật Thi hành án dân sự 2008 có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2009, được sửa đổi, bổ sung bởi:
- Luật số 64/2014/QH13 ngày 25/11/2014 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự 2008, có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2015;
- Luật Cạnh tranh 2018 của Quốc hội, có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2019;
- Luật số 67/2020/QH14 ngày 13/11/2020 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2022;
- Luật số 03/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội, có hiệu lực kể từ ngày 01/3/2022;
- Luật Đất đai 2024 của Quốc hội, có hiệu lực kể từ ngày 01/8/2024;
- Luật số 43/2024/QH15 ngày 29/6/2024 của Quốc hội có hiệu lực kể từ ngày 01/8/2024.
Luật Thi hành án dân sự 2008 quy định nguyên tắc, trình tự, thủ tục thi hành bản án, quyết định dân sự, hình phạt tiền, tịch thu tài sản, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, xử lý vật chứng, tài sản, án phí và quyết định dân sự trong bản án, quyết định hình sự, phần tài sản trong bản án, quyết định hành chính của Tòa án, quyết định của Tòa án giải quyết phá sản, quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh, quyết định giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Hội đồng giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh có liên quan đến tài sản của bên phải thi hành và phán quyết, quyết định của Trọng tài thương mại (sau đây gọi chung là bản án, quyết định); hệ thống tổ chức thi hành án dân sự và Chấp hành viên; quyền, nghĩa vụ của người được thi hành án, người phải thi hành án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động thi hành án dân sự.
Theo Điều 3 Văn bản hợp nhất 02/VBHN-VPQH ngày 16/9/2024 thì trong Luật Thi hành án dân sự 2008, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
- Đương sự bao gồm người được thi hành án, người phải thi hành án.
- Người được thi hành án là cá nhân, cơ quan, tổ chức được hưởng quyền, lợi ích trong bản án, quyết định được thi hành.
- Người phải thi hành án là cá nhân, cơ quan, tổ chức phải thực hiện nghĩa vụ trong bản án, quyết định được thi hành.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trực tiếp đến việc thực hiện quyền, nghĩa vụ thi hành án của đương sự.
- Thời hiệu yêu cầu thi hành án là thời hạn mà người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành án; hết thời hạn đó thì mất quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành án theo quy định của Luật Thi hành án dân sự 2008.
- Có điều kiện thi hành án là trường hợp người phải thi hành án có tài sản, thu nhập để thi hành nghĩa vụ về tài sản; tự mình hoặc thông qua người khác thực hiện nghĩa vụ thi hành án.
- Phí thi hành án là khoản tiền mà người được thi hành án phải nộp khi nhận được tiền, tài sản theo bản án, quyết định.
- Chi phí cưỡng chế thi hành án là các khoản chi phí do người phải thi hành án chịu để tổ chức cưỡng chế thi hành án, trừ trường hợp pháp luật quy định chi phí cưỡng chế thi hành án do người được thi hành án hoặc do ngân sách nhà nước chi trả.
- Mỗi quyết định thi hành án là một việc thi hành án.
Xem thêm tại Văn bản hợp nhất 02/VBHN-VPQH ngày 16/9/2024.