Các hành vi không được thực hiện trên vịnh Hạ Long theo quy định

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
06/11/2024 11:30 AM

Nội dung bài viết cập nhật các hành vi không được thực hiện trên vịnh Hạ Long theo quy định hiện hành. Theo đó là quy định liên quan đến hoạt động kinh tế tại vịnh Hạ Long.

Các hành vi không được thực hiện trên Vịnh Hạ Long theo quy định

Các hành vi không được thực hiện trên vịnh Hạ Long theo quy định (Hình ảnh từ Internet)

1. Các hành vi không được thực hiện trên vịnh Hạ Long

Cụ thể, tại Điều 3 Quy chế ban hành Quyết định 06/2019/QĐ-UBND quy định Mọi hoạt động trên vịnh Hạ Long tuyệt đối không được vi phạm các điều cấm tại các văn bản pháp luật hiện hành: Luật Di sản văn hóa 2001, Luật Thủy sản 2017, Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004, Luật Bảo vệ và phát triển rừng (hết hiệu lực), Luật Du lịch 2017, Luật Đa dạng sinh học 2008, Luật Bảo vệ môi trường 2020, Luật Biển Việt Nam 2012, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo 2015, Luật Cư trú 2020, Luật Phí và lệ phí 2015 và nghiêm cấm các hoạt động, hành vi trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, cụ thể như sau:

- Không được xây dựng mộ chí, công trình tôn giáo, tín ngưỡng; viết, vẽ, son, khắc tại các đảo, núi, hang động và xây dựng các công trình khác trên khu vực di sản vịnh Hạ Long.

- Cấm các hành vi, hoạt động gây hư hại, phá hủy các hang, động, bãi, đảo, rừng ngập mặn, rừng trên đảo đất và đảo núi đá, vùng nước khu vực di sản vịnh Hạ Long.

- Xâm hại đến đa dạng sinh học khu vực di sản vịnh Hạ Long đặc biệt các hệ sinh thái: Rạn san hô, rạn đá ngầm, rừng ngập mặn, bãi triều, cỏ biển, hệ sinh thái tự nhiên, động, thực vật; săn bắn, khai thác các loài động, thực vật trên các đảo, núi, hang động và quy định riêng của tỉnh.

- Khai thác đá, cát, nhũ đá và các loại khoáng sản, tài nguyên khác.

- Khai thác, sử dụng tài nguyên biển trái quy định của pháp luật; hủy hoại, làm suy thoái môi trường, hệ sinh thái biển đảo.

- Khai thác các loài thủy sản thuộc danh mục cấm khai thác, cấm khai thác có thời hạn; khai thác, nuôi nhốt các loài thủy sản quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng; khai thác thủy sản nhỏ hơn kích cỡ quy định; sơ chế, vận chuyển, nuôi nhốt, trồng cấy, chăn thả các loài động vật, thực vật, thủy sản trái phép trên khu vực di sản vịnh Hạ Long và các hành vi khác bị cấm theo quy định của pháp luật về thủy sản.

- Sử dụng ngư cụ, nghề, phương pháp khai thác thủy sản bị cấm, sử dụng các loại chất nổ, chất độc, xung điện; sử dụng thuốc, hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng, hạn chế sử dụng trong nuôi trồng thủy sản theo quy định của pháp luật.

- Xả rác, đổ bùn đất, xả nước thải, khí thải, các chất thải nguy hại khác xuống vịnh Hạ Long và hành vi vi phạm pháp luật khác về bảo vệ môi trường; vi phạm quy định phòng, chống, khắc phục ô nhiễm, sự cố môi trường; nhận chìm vật, chất ở vịnh Hạ Long mà không có giấy phép, trái quy định của pháp luật.

- Tổ chức các hoạt động dịch vụ, du lịch khi có giông, bão, thời tiết bất thường hoặc trong những điều kiện mà cơ quan có thẩm quyền thông báo không cho phép hoạt động; tổ chức các hoạt động dịch vụ du lịch khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép hoặc tổ chức tại các khu vực chưa được công bố.

- Vi phạm các quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ, quy hoạch sử dụng biển, kế hoạch sử dụng biển đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và công bố.

- Các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội; các quy định về an toàn giao thông đường thủy, phòng chống cháy nổ; cư trú trái phép trên vịnh Hạ Long.

- Các hành vi khai thác làm biến dạng các khu vực địa hình được quản lý theo Quyết định 2412/QĐ-TTg ngày 19/12/2011 ảnh hưởng đến đất quốc phòng và công trình quốc phòng trên vịnh Hạ Long; quay phim, chụp ảnh các khu vực quân sự phải được phép của cơ quan quân sự có thẩm quyền.

- Tuyên truyền, giới thiệu sai lệch các giá trị di sản vịnh Hạ Long.

- Neo đậu tàu, thuyền, nhà bè và các phương tiện khác trái phép trong khu vực di sản thiên nhiên thế giới, vùng đệm di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.

- Các hành vi bốc xếp, vận chuyển, chuyển tải, sang tải các loại hàng hóa rời gây ô nhiễm môi trường đã cấm vận chuyển bằng đường thủy lưu hành trên vịnh Hạ Long.

- Sử dụng phương tiện đeo bám tàu du lịch để ăn xin, “cò mồi”, đeo bám tàu du lịch mua bán hải sản và các mặt hàng khác; phân biệt đối xử với khách du lịch, thu lợi bất chính từ khách du lịch; tranh giành khách, nài ép khách mua hàng hóa, dịch vụ.

- Các hoạt động bị nghiêm cấm trong hành lang bảo vệ bờ biển vịnh Hạ Long quy định tại Điều 24 và các hoạt động trong khai thác, sử dụng tài nguyên hải đảo quy định tại Điều 41 Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo 2015.

- Sử dụng phao xốp hoặc các loại vật liệu gây ô nhiễm môi trường để làm bệ nổi, hộp, túi để đựng, chứa...

- Các hoạt động, hành vi khác xâm hại di sản vịnh Hạ Long theo quy định của pháp luật.

2. Quy định chung về hoạt động kinh tế - xã hội trên vịnh Hạ Long

Theo đó, tại Điều 7 Quy chế ban hành kèm Quyết định 06/2019/QĐ-UBND quy định chung về hoạt động kinh tế - xã hội trên vịnh Hạ Long như sau:

- Tuân thủ quy định của pháp luật, quy định quản lý Nhà nước về ngành, lĩnh vực, Quy chế này và các quy định khác có liên quan.

- Phải phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng, Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản vịnh Hạ Long, các quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch phân khu chức năng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh tế - xã hội trong khu vực di sản thế giới và vùng đệm của khu vực di sản thế giới phải có quy hoạch, dự án, chương trình hoặc phương án hoạt động, đầu tư, quản lý được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định hiện hành (có ý kiến của Ban Quản lý vịnh Hạ Long trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt).

- Giữ gìn cảnh quan, môi trường, hệ sinh thái, địa chất, địa mạo, giá trị văn hóa, lịch sử.

- Đầu tư trang thiết bị phòng chống thiên tai, cháy nổ và cứu nạn, cứu hộ, bảo vệ môi trường; tổ chức thu gom, xử lý rác thải, nước thải, dầu thải, các chất thải nguy hại; thực hiện các biện pháp chống suy thoái, ô nhiễm môi trường, ứng phó với sự cố môi trường và khắc phục hậu quả do sự cố môi trường gây ra; có kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu được phê duyệt trong đó có các giải pháp cụ thể phòng, chống sự cố tràn dầu.

- Khi có sự cố xảy ra, cá nhân, tổ chức có trách nhiệm phải thông báo ngay với các cơ quan chức năng để có biện pháp giải quyết kịp thời và tham gia cứu hộ, cứu nạn.

- Tuân thủ các quy định của pháp luật về thuế, phí, lệ phí và thanh toán các khoản tiền dịch vụ (nếu có) theo quy định.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 72

Bài viết về

lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]