* TS PHẠM SỸ LIÊM (phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Tổng hội Xây dựng VN, nguyên thứ trưởng Bộ Xây dựng):
Không phải hạch sách rồi chờ sai để phạt
* Ông nghĩ thế nào về việc kiểm tra, xử phạt vi phạm trên lĩnh vực xây dựng hiện nay?
- Xử phạt hiện nay chưa thật sự nghiêm và chưa sòng phẳng cho người dân. Trước khi tính tới chuyện xử phạt, cơ quan quản lý nhà nước cần tính đến việc làm tốt các khâu khác từ quy hoạch, giải phóng mặt bằng đến giải quyết các giấy tờ, thủ tục, cấp phép... trôi chảy hơn, thuận tiện hơn cho người dân. Chứ không phải hạch sách người ta đủ điều rồi sau đó chờ người ta sai để đè ra xử phạt.
Về câu chuyện nhà siêu mỏng siêu méo đang nóng hiện nay, rõ ràng người dân có tha thiết gì xây ngôi nhà mình trở nên xấu xí đâu, càng không phải xây lên để chống đối chính quyền... Mà bởi khi thực hiện mỗi dự án làm đường, cơ quan quản lý chỉ quan tâm tới mỗi con đường, rồi đền bù diện tích “ăn” vào phần đường của người dân. Diện tích thừa còn lại không ai quan tâm mà phó mặc cho người dân.
* Vậy việc nâng gấp đôi mức xử phạt liệu đã là tối ưu trong bối cảnh hiện nay?
Thể hiện tính trách nhiệm, gương mẫu của thủ đô Đó là khẳng định của ông Lê Văn Hoạt - phó chủ tịch HĐND TP Hà Nội - khi chia sẻ về hai nghị quyết mới thông qua. “Nghị quyết được ban hành xuất phát từ cơ sở pháp lý lẫn cơ sở thực tiễn. Về pháp lý, HĐND TP đã xin ý kiến và được Quốc hội thông qua trong Luật thủ đô. Cụ thể là tại khoản 2 điều 20 của Luật thủ đô quy định rất rõ HĐND TP có thể căn cứ vào quy định chung và thẩm quyền của hội đồng có thể xem xét nâng mức phạt này lên không quá hai lần. Về thực tiễn, rõ ràng cùng một hành vi vi phạm về trật tự xây dựng, văn hóa nhưng ở Hà Nội mức độ ảnh hưởng lớn hơn nhiều. Do vậy không thể áp dụng mức phạt cào bằng giữa thủ đô với khu vực nông thôn, làng xã khác vì thủ đô mang tính biểu trưng, đại diện rất cao. Việc nâng mức xử phạt cao hơn mức chung cũng là để thể hiện tính trách nhiệm và gương mẫu đi đầu của thủ đô cả nước” - ông Hoạt nói. |
- Tôi nghĩ chưa ổn lắm. Giả sử nếu mỗi công trình vi phạm thay vì xử phạt 10 triệu đồng, anh nâng lên thành 20 triệu đồng, thế nhưng giá trị công trình vi phạm đó mang lại có thể trên 20 triệu đồng và lớn hơn nhiều. Thêm nữa, trong khi xử phạt chỉ có một lần nhưng lợi tức từ công trình trên kéo dài mãi về sau. Như vậy người ta sẵn sàng vi phạm mà không cần đắn đo nhiều.
Do vậy, xử lý dứt điểm hậu quả từ công trình sai phép đó gây nên hay nói cách khác là triệt tiêu lợi ích “đen” mới là vấn đề quyết định, chứ không chỉ nằm ở mức xử phạt. Ngoài ra, đằng sau việc cấp phép, xử phạt luôn tồn tại những lợi ích nhóm mờ ám, làm méo mó đi luật pháp cũng như xuất hiện những lề thói xấu xí. Đây là thứ phải dẹp ngay để đưa bộ mặt đô thị trở lại gọn gàng.
Điều thứ hai, thực tế hằng ngày công trình sai phép, siêu mỏng siêu méo vẫn đầy rẫy, anh nói mà anh không làm, hoặc anh xử phạt xong lại cho tiếp tục tồn tại. Vậy thì anh đưa ra chế tài xử phạt gấp đôi cũng chẳng ai sợ vì luật đã bị nhờn trước đó rồi.
* Câu truyền miệng “không quản được thì cấm” liệu có đúng trong trường hợp này?
- Cái này có phần rất đúng, anh quản lý không tốt nên anh tìm cách nâng mức phạt lên để đe người ta. Cái nhà to đùng chứ có phải ma túy, thuốc phiện gì đâu mà có thể giấu giếm được, anh vi phạm người ta biết ngay. Vấn đề là phải chăng đã được “bôi trơn”, lo lót từ trước, hay khi phát hiện thì “chạy án” trót lọt?
Nhà siêu mỏng siêu méo bốn năm năm nay có thấy chuyển động gì đâu, như ở phố Xã Đàn, mới đây phố Hoàng Cầu mới mọc lại xuất hiện hàng loạt, rồi rất nhiều nhà vượt tầng cũng xử lý có triệt để đâu. Chuyển động thì phải từ gốc của vấn đề, chứ không phải xảy ra mới tìm cách xử lý. Tức là tuyên truyền, giải thích cho người dân biết sai để không vi phạm hoặc ngăn chặn khi mới bắt đầu triển khai chứ không chờ nghiêm trọng rồi mới vào cuộc.
* Vậy theo ông, làm cách nào để răn đe tốt hơn?
- Tôi nghĩ ngoài những chế định, trước hết phải có một lực lượng “thi hành án” chuyên nghiệp, xuyên suốt. Ví dụ như lực lượng phường phải được trao thẩm quyền kiểm tra tất cả công trình xây dựng lớn nhỏ trên địa bàn, phát hiện vi phạm sẽ báo lên quận. Ở quận có đội chuyên trách sẵn sàng xử lý các công trình không phép, sai phép ở một giới hạn quy mô nào đó. Nếu vượt quá quy mô trên sẽ chuyển cho lực lượng chuyên trách của thành phố xử lý. Đội chuyên trách này có đủ điều kiện để huy động máy móc đến xử lý công trình vi phạm. Ngoài ra, quá trình “trảm”, chính quyền cần đảm bảo các yếu tố về an ninh trật tự, y tế, cháy nổ... Nếu làm được đồng bộ từ trên xuống dưới như thế thì tôi tin trật tự xây dựng sẽ được lập lại.
* TS LƯƠNG HỒNG QUANG (phó viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật VN):
Nỗ lực của chính quyền để dân làm quen với xã hội văn minh
* Thưa ông, tình trạng vi phạm trong lĩnh vực văn hóa hiện nay ra sao?
- Tình trạng vi phạm trong lĩnh vực văn hóa và dịch vụ văn hóa nếu so với các lĩnh vực khác như xây dựng, giao thông chưa phải là nghiêm trọng, tuy nhiên bắt gặp rất nhiều. Tương tự, chế tài về pháp luật trong lĩnh vực văn hóa so với các lĩnh vực khác cũng còn quá ít, văn hóa lại là một phạm trù đặc thù, điều này dẫn tới vi phạm về lĩnh vực hiện nay rất nhiều.
Chúng ta có thể bắt gặp người người, nhà nhà xài “chùa” các phần mềm, nghe nhạc, xem phim rồi trốn thuế thu nhập... Vi phạm phổ biến nhất là trong khu vực có tính thương mại lớn như vấn đề bản quyền, nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh, xuất bản, băng đĩa... Thật kỳ lạ khi việc đánh cắp bản quyền, xài chùa các sản phẩm văn hóa từ lâu được xem là nghiễm nhiên, không mảy may lấy làm xấu hổ...
* Còn việc quản lý và xử phạt vi phạm thì sao?
- Cái này cần có đánh giá tổng quan, tuy nhiên dễ dàng nhận thấy như vấn đề bản quyền đã có Luật bản quyền, quảng cáo có Luật quảng cáo, nghệ thuật biểu diễn có nghị định 79 chế định... Dù đã có hành lang pháp lý, tuy nhiên dường như chúng ta chưa quen với việc xử phạt. Văn hóa là đặc thù nên khi xử phạt xuất hiện tâm lý giống như các hoạt động dân sự bị can thiệp. Người dân chưa có thói quen, còn cơ quan quản lý nhà nước xem đó là việc gì rất đặc biệt...
Việc xử phạt hiện nay cực kỳ hạn chế, đơn cử như tổng kết công tác lễ hội sáu tháng đầu năm 2014, chỉ có duy nhất trường hợp bị xử phạt, trong khi có hàng nghìn lễ hội với những vi phạm đầy rẫy về vệ sinh an toàn thực phẩm, đổi tiền lẻ, đốt vàng mã...
Chúng ta đang chuyển đổi từ một xã hội nông nghiệp từ lệ làng sang một xã hội văn minh đô thị theo luật... Luật góp phần xây dựng thói quen, dẹp đi những lề thói. Phải làm người dân hiểu, trong xã hội căn bản hai khái niệm quyền và nghĩa vụ phải song hành. Anh được trao cho quyền thì phải có nghĩa vụ đầy đủ đối với xã hội.
* Vậy theo ông, việc tăng gấp đôi chế tài xử phạt là tốt?
- Tôi không nói tăng hay không tăng là tốt hay không tốt, vì trong đánh giá chính sách cần phải có thang bảng đánh giá cụ thể. Nhưng công bằng phải coi đây là một động thái, một nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình đang cố gắng siết chặt sự quản lý của mình, đưa văn hóa phát triển đúng luật của thị trường. Đồng thời tạo cho người dân một thói quen sống và hành xử theo luật pháp trong một xã hội văn minh.
Tuy nhiên, nhìn rộng ra, quản lý xã hội không chỉ bằng luật mà cần một tổng thể các biện pháp. Chỉ dùng một công cụ là không đủ, đặc biệt với lĩnh vực đặc thù như văn hóa. Đến lúc phải thay đổi trong tư duy quản lý, điều hành. Chúng ta trong một thời gian dài làm chính sách thiên về duy tình, thương người nghèo đã gây ra hệ lụy không nhỏ cho xã hội về văn hóa, đã có không ít người ứng xử bằng cách ỷ lại vào cái nghèo, thậm chí là cậy nghèo...
Khi dính dáng tới luật pháp thì đều “chìa ra”: “em nghèo”, “em nào đâu biết”, “em làm gì có tiền”... Tôi không dám miệt thị người nghèo vì bản thân cũng là người nghèo, nhưng phải thừa nhận một điều: xã hội văn minh, phát triển là xã hội của những người tuân thủ luật pháp.
Thêm nữa là sự gương mẫu, trong văn hóa gương mẫu rất quan trọng, vì văn hóa có tính khuôn mẫu, kế thừa và học hỏi rất cao. Việc tiếp nữa là tuyên truyền nâng cao nhận thức, năng lực của các cơ quan và đội ngũ làm dịch vụ công. Ngoài ra, trong văn hóa chúng ta đang chuyển đổi từ xã hội truyền thống sang một xã hội lấy luật làm căn bản thì chắc chắn phải cần thời gian chứ không thể vội vã được.
Nâng mức phạt 29 hành vi thuộc nhóm xây dựng, 49 hành vi nhóm văn hóa Trong lĩnh vực xây dựng, nghị quyết của HĐND thành phố Hà Nội quy định mức phạt gấp đôi mức quy định tại nghị định 121 của Chính phủ đối với 29 hành vi thuộc các nhóm: vi phạm về điều kiện khởi công công trình; vi phạm về xây dựng không phép, sai phép, sai quy hoạch, sai thiết kế, sai biện pháp thi công được duyệt; vi phạm về tổ chức thi công không đảm bảo vệ sinh môi trường, xây dựng gây lún nứt, hư hỏng công trình lân cận hoặc công trình hạ tầng kỹ thuật; không thực hiện ngừng cung cấp điện, nước đối với công trình vi phạm trật tự xây dựng khi có quyết định đình chỉ thi công xây dựng công trình. Quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, nâng mức tiền phạt gấp đôi đối với 40 hành vi gồm: nhóm hành vi vi phạm quy định về sản xuất, nhân bản phim; sản xuất, nhân bản, tàng trữ, phổ biến bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu; biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; nếp sống văn hóa; điều kiện tổ chức hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng; giấy phép trong tổ chức hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng; sản xuất, lưu hành băng, đĩa, trò chơi điện tử; nhóm hành vi vi phạm quy định cấm đối với hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng; bảo vệ công trình văn hóa, nghệ thuật, di sản văn hóa; khai quật, khảo cổ, bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh... |
LÂM HOÀI thực hiện
Theo Tuổi Trẻ