Thứ nhất, LTNBTCNN quy định người bị thiệt hại chỉ có quyền yêu cầu bồi thường khi có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ. Trong khi thực tế để có được văn bản này, người bị thiệt hại phải thực hiện nhiều thủ tục khiếu nại và mất rất nhiều thời gian. Nhiều vụ việc gặp bế tắc do cơ quan tố tụng không chịu ra văn bản thừa nhận oan hoặc lách luật, dùng các lý do khác như miễn trách nhiệm hình sự khi ra quyết định đình chỉ điều tra để né trách nhiệm dù về bản chất, người dân thật sự bị oan.
Thứ hai, LTNBTCNN quy định thời hiệu yêu cầu bồi thường hai năm kể từ ngày có văn bản xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ là chưa phù hợp. Nhiều ý kiến đề nghị không nên quy định thời hiệu mà nên áp dụng thời hiệu của pháp luật dân sự vì thực chất đây cũng là quan hệ dân sự (bồi thường thiệt hại).
Thứ ba, LTNBTCNN quy định nếu người bị thiệt hại không đồng ý với kết quả định giá, giám định mà yêu cầu định giá, giám định lại thì chi phí do người yêu cầu chịu (trừ khi kết quả định giá, giám định lại có căn cứ). Nhưng thế nào là “có căn cứ” lại chưa được làm rõ.
Thứ tư, LTNBTCNN không quy định rõ trường hợp nếu người yêu cầu bồi thường thiệt hại nhưng hồ sơ, tài liệu bị mất thì phải làm thế nào khiến việc giải quyết bồi thường thiệt hại gặp nhiều khó khăn.
Thứ năm, thủ tục cấp phát kinh phí để chi trả bồi thường oan hiện đang rất chậm khiến người bị thiệt hại phải mòn mỏi chờ đợi. Có những vụ đã có bản án có hiệu lực pháp luật tuyên buộc cơ quan làm oan phải bồi thường nhưng người bị oan phải chờ hàng năm mới nhận được tiền bồi thường.
Các bất cập này đã khiến số lượng yêu cầu bồi thường oan được thụ lý, giải quyết khá hạn chế: Sau năm năm thi hành LTNBTCNN (2009-2013), tổng số vụ việc mà các cơ quan tố tụng đã thụ lý là hơn 100, trong đó đã giải quyết được 86 vụ việc với tổng số tiền bồi thường trên 8,3 tỉ đồng.
Thanh Tùng
Theo Pháp luật TP