Luật sư Lê Văn Đài, Văn phòng luật sư Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội trả lời vấn đề ông Phương hỏi như sau:
Liên minh Hợp tác xã (HTX) là tổ chức kinh tế - xã hội do các HTX, liên hiệp HTX tự nguyện cùng nhau thành lập. Liên minh HTX được tổ chức theo ngành và các ngành kinh tế. Liên minh HTX được thành lập ở Trung ương và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Căn cứ Điểm 8, Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định số 68/2010/QĐ-TTg ngày 1/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định hội có tính chất đặc thù, thì Liên minh HTX Việt Nam là 1 trong 28 tổ chức thuộc danh sách Hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước.
Ngày 16/4/2013, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 03/2013/TT-BNV quy định chi tiết thi hành Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội và Nghị định số 33/2012/NĐ-CP ngày 13/4/2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 45/2010/NĐ-CP. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/6/2013 và thay thế Thông tư số 11/2010/TT-BNV ngày 26/11/2010 của Bộ Nội vụ.
Ngày 19/6/2014, Bộ Nội vụ ban hành Thông tư số 03/2014/TT-BNV sửa đổi Điểm b Khoản 1 Điều 7 Thông tư số 03/2013/TT-BNV ngày 16/4/2013 của Bộ Nội vụ.
Theo đó, khoản 1 Điều 7 Thông tư số 03/2013/TT-BNV đã được sửa đổi theo Điều 1 Thông tư số 03/2014/TT-BNV quy định chế độ, chính sách đối với người công tác tại hội có tính chất đặc thù như sau:
- Được cấp kinh phí hoạt động theo số biên chế được giao, hàng năm có trách nhiệm báo cáo cơ quan có thẩm quyền quản lý biên chế việc sử dụng biên chế theo quy định. Các hội có tính chất đặc thù không phân bổ số biên chế được giao của hội cho các pháp nhân thuộc hội và các hội thành viên.
Trong trường hợp có sự điều chỉnh về thực hiện nhiệm vụ theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, các hội có tính chất đặc thù lập hồ sơ điều chỉnh biên chế gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý biên chế xem xét, quyết định.
Hồ sơ điều chỉnh biên chế gồm văn bản đề nghị, đề án điều chỉnh biên chế, xác định vị trí việc làm phù hợp với mô hình tổ chức, quy mô hoạt động, các tài liệu liên quan đến việc đề nghị điều chỉnh biên chế của hội.
- Đối với công chức được luân chuyển làm việc tại các hội theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 06/2010/NĐ-CP ngày 25/1/2010 của Chính phủ quy định những người là công chức; chế độ, chính sách thực hiện theo quy định của pháp luật về công chức.
- Đối với những người được tuyển dụng theo chỉ tiêu biên chế được cơ quan có thẩm quyền giao, chế độ, chính sách áp dụng theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.
- Đối với những người đã nghỉ hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật được bầu giữ các chức danh lãnh đạo chuyên trách tại các hội có tính chất đặc thù trong chỉ tiêu biên chế được cấp có thẩm quyền giao, thì ngoài lương hưu, được hưởng thù lao từ ngân sách Nhà nước theo quy định tại Quyết định số 30/2011/QĐ-TTg ngày 1/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ thù lao đối với người đã nghỉ hưu giữ chức danh lãnh đạo chuyên trách tại các hội.
Trường hợp được hưởng trợ cấp khi thôi việc
Đối với trường hợp ông Đỗ Văn Phương, căn cứ Điểm c, khoản 1, Điều 7 Thông tư 03/2013/TT-BNV, thì những người được tuyển dụng vào Liên minh HTX tỉnh theo chỉ tiêu biên chế được cơ quan có thẩm quyền giao, chế độ, chính sách áp dụng theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức (trong đó có quy định về chế độ thôi việc theo quy định tại Điều 38, Điều 39 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức).
Đến nay do điều kiện gia đình có con nhỏ, kinh tế gặp khó khăn nên ông Phương có nguyện vọng thôi việc trở về quê. Căn cứ Điểm a, khoản 1 Điều 38 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP, ông Phương sẽ được giải quyết thôi việc khi có đơn tự nguyện xin thôi việc được Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh đồng ý bằng văn bản.
Khoản 2 Điều 39 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP quy định: Trợ cấp thôi việc đối với thời gian công tác của viên chức từ ngày 1/1/2009 đến nay được thực hiện theo quy định của pháp luật về trợ cấp thất nghiệp.
Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp quy định tại khoản 3 Điều 16 của Nghị định số 127/2008/NĐ-CP ngày 12/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm thất nghiệp, được thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 3 Thông tư số 32/2010/TT-BLĐTBXH ngày 25/10/2010 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 127/2008/NĐ-CP.
Theo đó, trợ cấp thôi việc đối với thời gian công tác của ông Phương từ ngày 30/12/2011 đến nay được thực hiện theo quy định của pháp luật về trợ cấp thất nghiệp. Ông Phương sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp với thời gian 3 tháng, nếu có từ đủ 12 tháng đến dưới 36 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Luật sư Lê Văn Đài
VPLS Khánh Hưng – Đoàn luật sư Hà Nội
Theo Báo điện tử Chính phủ