TS. Nguyễn Sĩ Dũng
Đó là quan điểm được TS. Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đưa ra khi trao đổi với PV Báo Giao thông xung quanh vấn đề hành lang pháp lý đã mở từ khi có Hiến pháp 2013. Theo ông Dũng, vấn đề đặt ra hiện nay là các văn bản pháp luật khác cũng phải thể chế hóa được các tư tưởng mới của Hiến pháp, từ đó hoạch định được những chính sách phù hợp nhất để phát triển đất nước.
Hiện thực hóa nhiều hơn các quyền con người
So với Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013 đã có những sửa đổi, bổ sung và phát triển quan trọng về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Những điều này có ý nghĩa thế nào đối với việc phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong thời gian tới, thưa ông?
Những điều này có ý nghĩa vô cùng to lớn. Xét về mặt kinh tế, các quyền con người, đặc biệt là quyền sở hữu tư nhân và quyền tự do kinh doanh, tạo ra động lực to lớn và bảo đảm điều kiện tiên quyết cho hàng triệu người dân vươn lên làm giàu. Hàng triệu người dân có động lực và có điều kiện để làm ăn thì kinh tế sẽ phát triển, xã hội sẽ thịnh vượng. Bảo đảm môi trường kinh doanh, trước hết chính là bảo đảm để các quyền con người nói trên được tôn trọng và bảo vệ.
Xét về mặt xã hội, phát triển là gì nếu không phải là sự hiện thực hóa ngày càng nhiều hơn các quyền của con người?! Việc ghi nhận các quyền này trong Hiến pháp là bước khởi đầu quan trọng định hướng cho những hành động tiếp theo của chúng ta. Và chính điều này đến lượt mình sẽ bảo đảm một sự phát triển đúng đắn hơn, mang bộ mặt con người nhiều hơn. Ngoài ra, khi các quyền của con người được bảo đảm thì kinh tế cũng có điều kiện để phát triển. Những con người với những quyền năng to lớn vừa tạo ra cầu lại vừa tạo ra cung cho cả nền kinh tế.
Điều 33 Hiến pháp 2013 quy định: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”, thay vì “tự do kinh doanh theo quy định của pháp luật” như quy định trong Hiến pháp 1992. Hiến pháp là đạo luật có hiệu lực pháp lý cao nhất, tuy nhiên thực tiễn cho thấy Hiến pháp chỉ đi vào cuộc sống khi có các luật con quy định chi tiết. Ông có đồng tình với ý kiến này?
Thiếu các quy định chi tiết của pháp luật, Hiến pháp khó đi vào cuộc sống. Chính vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật theo Hiến pháp mới là rất quan trọng. Việc này đang được triển khai hết sức khẩn trương và đồng bộ. Vừa qua Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư đã được sửa đổi theo đúng tinh thần nói trên của Hiến pháp.
Vấn đề đặt ra là các văn bản pháp luật khác cũng phải thể chế hóa được các tư tưởng mới của Hiến pháp. Rủi ro của việc các văn bản quy định chi tiết không phản ánh đúng hoặc không phản ánh hết tinh thần của Hiến pháp chứ không phải là không có. Tuy nhiên, Hiến pháp cũng đã tạo ra những khuôn khổ khá chặt chẽ để hoạt động lập pháp không bị thao túng. Đồng thời, cơ chế bảo hiến được thiết kế ngay trong Hiến pháp, cũng giúp chúng ta khắc phục được những sai lệch không đáng có của hoạt động lập pháp.
Ngoài ra, nhưng quy định của Hiến pháp cũng sẽ giúp người dân có cơ sở để bảo vệ các quyền của mình.
Ứng dụng gọi taxi qua điện thoại thông minh nếu minh bạch và đóng thuế đầy đủ thì nên cho hoạt động
Hết thời cấm đoán
Câu chuyện taxi Uber vào Việt Nam đã phần nào khiến các cơ quan quản lý lúng túng. Ngay sau đó, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã khẳng định: “Uber giá thấp hơn taxi thông thường, người dân được hưởng lợi, sao ta không hợp pháp hóa để quản lý nó, phải bỏ ngay tư tưởng không quản được thì cấm”. Ông có cho rằng, nếu làm được điều này, sẽ hướng đến năng suất cao hơn, chất lượng hơn, đem lại sự hài lòng hơn cho người dân và doanh nghiệp, giảm đáng kể chi phí quốc gia?
Tôi ủng hộ quan điểm của Bộ trưởng Đinh La Thăng.
Trước hết, về mặt pháp lý, Hiến pháp quy định: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”. Luật pháp của chúng ta, đặc biệt là Luật Đầu tư vừa ban hành có cấm kinh doanh dịch vụ kết nối kiểu như của Uber đâu? Không cấm thì có nghĩa là Uber được quyền kinh doanh. Kinh doanh thì phải đóng thuế, phải tuân thủ các quy định có liên quan của pháp luật, nhưng đây là câu chuyện khác.
"Quản lý đòi hỏi phải có tầm nhìn, bởi nếu chúng ta không có một tầm nhìn về nhu cầu phát triển, về những “mệnh lệnh không thể cưỡng lại được của thời đại”, thì rất dễ đưa ra những chính sách không phù hợp. Muốn đề ra chính sách phải biết vấn đề đang đặt ra trong cuộc sống là gì? Vấn đề đó xảy ra do nguyên nhân gì? Nguyên nhân nào thì chính sách đó. Khi đã lựa chọn chính sách thì cũng phải phân tích xem chính sách đó có hợp hiến, hợp pháp hay không; chi phí và lợi ích thu được từ việc thực hiện chính sách như thế nào; ai được ai mất trong chính sách đó; thỏa hiệp xã hội ở đây được bảo đảm như thế nào”. TS. Nguyễn Sĩ Dũng |
Thứ ba, Uber đại diện cho sự sáng tạo đột phá trong việc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông vào việc cung cấp dịch vụ taxi. Quay lưng lại với Uber là quay lưng lại với những tiến bộ mới của khoa học - kỹ thuật. Cách ứng xử như vậy rất rủi ro. Không sớm thì muộn chúng ta sẽ bị thế giới bỏ lại ở phía sau.
Thứ tư, cách làm của Uber phản ánh tính chất của một nền kinh tế mới đang được nói tới ngày càng nhiều đó là nền kinh tế chia sẻ. Những người có xe ô tô có thể chia sẻ những chiếc ô tô của mình với những người có nhu cầu, nhờ đó phát huy được hiệu quả cao hơn của tài sản. Nền kinh tế chia sẻ là một phần của nền kinh tế xanh. Chấp nhận Uber nghĩa là sẵn sàng để đón nhận một nền kinh tế mới.
Với Hiến pháp 2013, có thể nói hành lang pháp lý đã rất mở. Ở góc độ quản lý, từ những câu chuyện như taxi Uber, ông có cho rằng, để một chính sách đi vào cuộc sống, điều quan trọng nhất là chính sách đó phải được người dân ủng hộ và khi hoạch định chính sách, nhu cầu, lợi ích của người dân cần phải được cân nhắc rất kỹ, chứ không nên giữ mãi tư duy “không quản được thì cấm”?
Rõ ràng như vậy. Chúng ta bao giờ cũng phải đặt lợi ích của người dân vào trung tâm của chính sách. Nếu lợi ích của các công ty taxi không đồng hành với lợi ích của người dân thì cái mà chúng ta lựa chọn phải là lợi ích của người dân.
Ngoài ra, cũng cần nhấn mạnh rằng, thời của chuyện không quản được thì cấm đã qua. Hiến pháp quy định chỉ có thể hạn chế được quyền của người dân bằng luật và chỉ trong bốn trường hợp: Vì quốc phòng, an ninh; vì trật tự, an toàn xã hội; vì đạo đức xã hội; vì sức khỏe cộng đồng. Quản lý chung chung thì không phải là một trong bốn trường hợp nói trên.
Trân trọng cảm ơn ông!
Hoài Thu (Thực hiện)