1. Lưu ý với doanh nghiệp đấu giá tài sản (ĐGTS) thành lập trước ngày 01/7/2017
Từ ngày 01/7/2017, Nghị định 62/2017/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật ĐGTS 2016 bắt đầu có hiệu lực thi hành.
Theo đó, doanh nghiệp ĐGTS thành lập trước ngày 01/7/2017 cần lưu ý một số nội dung như sau:
- Nếu chuyển đổi thành doanh nghiệp ĐGTS theo quy định tại Điều 23 Luật ĐGTS thì nộp 01 bộ hồ sơ (theo điểm a, b và c Khoản 1 Điều 25 Luật ĐGTS) trực tiếp hoặc qua bưu điện hoặc hình thức phù hợp khác đến Sở Tư pháp.
Doanh nghiệp ĐGTS được Sở Tư pháp cấp Giấy đăng ký hoạt động kế thừa toàn bộ quyền, lợi ích hợp pháp và nghĩa vụ trong hoạt động ĐGTS của doanh nghiệp ĐGTS thành lập trước ngày 01/7/2017.
- Nếu tiếp tục hoạt động ĐGTS và kinh doanh các ngành nghề khác thì thành lập doanh nghiệp ĐGTS mới theo quy định tại Điều 25 Luật ĐGTS.
2. Thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu bị lưu giữ
Đây là nội dung quy định tại Nghị định 169/2016/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 01/7/2017) về xử lý hàng hóa do người vận chuyển lưu giữ tại cảng biển Việt Nam. Theo đó:
Đối với hàng hóa xuất nhập khẩu bị lưu giữ do người nhận hàng không đến nhận, hoặc từ chối nhận hàng:
- Người vận chuyển được mang bán đấu giá nhưng phải làm thủ tục hải quan nhập khẩu hàng hóa theo quy định.
- Ngoài hồ sơ hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu theo quy định, người vận chuyển phải nộp kèm các giấy tờ sau đây cho cơ quan hải quan:
+ Văn bản đề nghị làm thủ tục hải quan nhập khẩu hàng hóa đối với hàng hóa bị lưu giữ;
+ Bản chính bằng chứng liên quan đến việc thông báo về hàng hóa bị lưu giữ theo quy định tại Điều 7 của Nghị định này.
3. Hướng dẫn điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ
Đây là quy định tại Thông tư 53/2017/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 69/2016/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh vụ mua bán nợ.
Theo đó, doanh nghiệp kinh doanh vụ mua bán nợ cần lưu ý một số điều kiện như sau:
- Khi bắt đầu hoạt động, doanh nghiệp phải có quy chế quản lý nội bộ về tổ chức, về hoạt động kinh doanh dịch vụ mua bán nợ được ban hành bởi cấp có thẩm quyền của doanh nghiệp quy định tại điều lệ;
- Vốn điều lệ/vốn đầu tư thực góp hạch toán trên bảng cân đối kế toán phải lớn hơn hoặc bằng mức vốn tối thiểu quy định tại Nghị định 69/2016/NĐ-CP tương ứng với từng loại hình kinh doanh dịch vụ mua bán nợ;
- Người quản lý doanh nghiệp tại thời điểm được bổ nhiệm phải có bằng đại học (trở lên) thuộc một trong các ngành: Kinh tế, quản trị kinh doanh, luật hoặc lĩnh vực chuyên môn mà mình sẽ đảm nhận;
Xem thêm các điều kiện khác tại Thông tư 53/2017/TT-BTC (có hiệu lực từ ngày 03/7/2017).
4. Đăng ký mã số nhận diện ao nuôi cá Tra thương phẩm
Đây là nội dung quy định tại Nghị định 55/2017/NĐ-CP về quản lý nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá Tra (có hiệu lực từ ngày 01/7/2017)
Cụ thể, hồ sơ đăng ký mã số nhận diện ao nuôi cá Tra thương phẩm được Nghị định 55/2017/NĐ-CP quy định như sau:
- Hồ sơ đăng ký lần đầu gồm:
+ Giấy đăng ký cấp mã số nhận diện ao nuôi (Mẫu số 01 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này);
+ Bản sao sơ đồ mặt bằng vị trí ao nuôi.
- Hồ sơ đăng ký lại gồm:
+ Giấy đăng ký cấp lại mã số nhận diện ao nuôi (Mẫu số 02 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này);
+ Bản gốc Giấy chứng nhận mã số nhận diện ao nuôi cá Tra thương phẩm đề nghị cấp lại;
+ Bản sao sơ đồ mặt bằng vị trí ao nuôi.
Giấy chứng nhận mã số nhận diện ao nuôi cá Tra thương phẩm đã được cấp theo Nghị định 36/2014/NĐ-CP vẫn tiếp tục có hiệu lực.