1. Điều kiện mới để doanh nghiệp phát hành trái phiếu không chuyển đổi
Đây là nội dung nổi bật tại Nghị định 163/2018/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp có hiệu lực từ ngày 01/02/2019.
Theo đó, đối với trái phiếu không chuyển đổi hoặc trái phiếu không kèm theo chứng quyền thì điều kiện để phát hành là:
- Doanh nghiệp phát hành là công ty cổ phần hoặc công ty TNHH được thành lập và có thời gian hoạt động tối thiểu từ 01 năm kể từ ngày được cấp lần đầu:
+ Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; đăng ký kinh doanh;
+ Giấy phép có giá trị tương đương theo quy định.
(Hiện tại chỉ yêu cầu là doanh nghiệp có thời gian hoạt động tối thiểu 01 năm kể từ ngày chính thức hoạt động)
- Có phương án phát hành trái phiếu được cấp có thẩm quyền phê duyệt và chấp thuận theo quy định;
- Đáp ứng các tỷ lệ an toàn tài chính, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định;
Ngoài ra, quy định thêm những điều kiện mới so với quy định hiện hành như:
- Có báo cáo tài chính năm trước liền kề của năm phát hành được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán đủ điều kiện theo quy định;
- Đảm bảo tuân thủ giới hạn về số lượng nhà đầu tư khi phát hành, giao dịch trái phiếu theo quy định;
- Thanh toán đầy đủ cả gốc và lãi của trái phiếu đã phát hành trong 03 năm liên tiếp trước đợt phát hành (nếu có).
2. 05 điều kiện để chuyển đổi từ chứng từ điện tử sang chứng từ giấy
Từ ngày 10/02/2019, Nghị định 165/2018/NĐ-CP về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính chính thức có hiệu lực thi hành.
Theo đó, việc chuyển đổi từ chứng từ điện tử (CTĐT) sang chứng từ giấy phải đáp ứng đủ 05 điều kiện (so với quy định hiện hành chỉ yêu cầu đáp ứng 03 điều kiện) thì mới được chuyển đổi, đơn cử như:
- Phản ánh đầy đủ, chính xác nội dung của CTĐT;
- Có thông tin thể hiện CTĐT đã được xử lý trên hệ thống thông tin và tên của hệ thống thông tin hoặc tên của chủ quản hệ thống thông tin;
- Có mã định danh của CTĐT để phục vụ việc tra cứu, xác minh thông tin hoặc có họ tên, chữ ký của người thực hiện chuyển đổi;
- Tra cứu được tại bất kỳ thời điểm nào trong thời gian hệ thống thông tin hoạt động bình thường;…
3. Ban hành danh mục 13 sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
Nội dung đáng chú ý này được quy định tại Thông tư 37/2018/TT-BNNPTNT về danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia.
Theo đó, 13 sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia được hỗ trợ theo Nghị định 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 bao gồm:
- Gạo; Cà phê; Cao su; Điều; Hồ tiêu;
- Chè; Rau, quả; Sắn và sản phẩm từ sắn;
- Thịt lợn; Thịt và trứng gia cầm;
- Cá tra; Tôm; Gỗ và sản phẩm từ gỗ.
Thông tư 37/2018/TT-BNNPTNT bắt đầu có hiệu lực từ ngày 08/02/2019.
4. Quy định mới về thời gian tập sự đối với giáo viên, giảng viên
Từ ngày 08/02/2019, Thông tư 31/2018/TT-BGDĐT về thời gian tập sự theo chức danh nghề nghiệp giáo viên, giảng viên trong các cơ sở giáo dục công lập bắt đầu có hiệu lực.
Theo đó, để được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên/giảng viên, người trúng tuyển phải thực hiện thời gian tập sự trong các trường hợp cụ thể như sau:
- Tuyển dụng vào chức danh nghề nghiệp giảng viên hạng III, giáo viên THPT hạng III, giáo viên dự bị đại học hạng III phải thực hiện thời gian tập sự 12 tháng (quy định hiện hành giáo viên THPT chỉ cần tập sự 9 tháng);
- Tuyển dụng vào chức danh giáo viên THCS hạng III phải thực hiện thời gian tập sự 9 tháng;
- Tuyển dụng vào chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng IV, giáo viên tiểu học hạng IV phải thực hiện thời gian tập sự 6 tháng.
Thời gian tập sự trên áp dụng kể từ ngày 15/01/2019, những trường hợp tuyển dụng trước ngày 15/01/2019 thì thực hiện theo quy định tại Thông tư 05/2016/TT-BGDĐT ngày 21/3/2016.