1. Điều kiện hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị TNLĐ, BNN
Nghị định 88/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật an toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ, BNN) bắt buộc có hiệu lực từ ngày 15/9/2020. Theo đó:
Người sử dụng lao động (NSDLĐ) được hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề để chuyển đổi nghề nghiệp cho NLĐ theo quy định khi NLĐ có đủ các điều kiện:
- Đang tham gia bảo hiểm TNLĐ, BNN theo quy định tại thời điểm bị TNLĐ, BNN (điều kiện mới);
- Suy giảm khả năng lao động do bị TNLĐ, BNN từ 31% trở lên;
- Được NSDLĐ sắp xếp công việc mới thuộc quyền quản lý phù hợp với sức khỏe, nguyện vọng của NLĐ nhưng công việc đó cần phải đào tạo nghề để chuyển đổi.
2. Hướng dẫn quy trình đăng ký hộ tịch trực tuyến
Nghị định 87/2020/NĐ-CP về cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch (ĐKHT) trực tuyến có hiệu lực từ ngày 15/9/2020.
Theo đó, người có yêu cầu ĐKHT trực tuyến truy cập Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công cấp tỉnh để đăng ký tài khoản, xác thực người dùng theo hướng dẫn.
Khi đăng nhập tài khoản thành công, người có yêu cầu cung cấp thông tin theo biểu mẫu điện tử tương tác, đính kèm bản chụp hoặc bản sao điện tử các giấy tờ, tài liệu theo quy định.
Nộp phí, lệ phí thông qua chức năng thanh toán trực tuyến hoặc bằng cách thức khác theo quy định.
Sau khi hoàn tất việc nộp hồ sơ, người có yêu cầu được cấp 01 mã số hồ sơ thủ tục hành chính để theo dõi, tra cứu tiến độ giải quyết hoặc truy cập để hoàn thiện hồ sơ khi có yêu cầu của cơ quan ĐKHT…
3. Quy trình mua tàu biển sử dụng vốn nhà nước từ 15/9/2020
Nghị định 86/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 171/2016/NĐ-CP về đăng ký, xóa đăng ký và mua, bán, đóng mới tàu biển có hiệu lực từ ngày 15/9/2020.
Theo đó, việc mua tàu biển sử dụng vốn nhà nước thực hiện theo quy trình sau:
- Phê duyệt chủ trương mua tàu biển (hiện hành không quy định);
- Lựa chọn tàu, dự kiến giá mua và các chi phí liên quan đến giao dịch mua tàu;
- Lập, thẩm định, phê duyệt dự án mua tàu biển;
- Quyết định mua tàu biển;
- Hoàn tất thủ tục mua tàu biển.
4. 03 hành vi bị cấm trong sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức
Nghị định 80/2020/NĐ-CP về quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam có hiệu lực từ ngày 17/9/2020.
Theo đó, các hành vi bị cấm trong sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam gồm:
- Sử dụng viện trợ để phục vụ mục đích:
+ Rửa tiền, tài trợ khủng bố, trốn thuế, xâm hại đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc;
+ Xâm hại đạo đức xã hội, thuần phong, mỹ tục và bản sắc văn hóa dân tộc.
- Sử dụng viện trợ để tìm kiếm lợi nhuận phân chia, tư lợi cá nhân, không vì mục đích nhân đạo, phát triển kinh tế xã hội, không vì lợi ích cộng đồng.
- Các hành vi tham nhũng, gây thất thoát, lãng phí trong quản lý và sử dụng viện trợ.
5. Hệ thống tổ chức của BHXH Việt Nam
Nghị định 89/2020/NĐ-CP về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam có hiệu lực từ ngày 20/9/2020.
Theo đó, BHXH Việt Nam được tổ chức và quản lý theo hệ thống dọc, tập trung, thống nhất từ trung ương đến địa phương, gồm:
- Ở trung ương là BHXH Việt Nam;
- Ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là BHXH tỉnh trực thuộc BHXH Việt Nam;
- Ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là BHXH huyện trực thuộc BHXH tỉnh;
- Không tổ chức đơn vị BHXH huyện tại đơn vị hành chính là thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh, nơi có trụ sở BHXH cấp tỉnh đóng trên địa bàn (mới).