1. Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng từ 25/10/2020
Đây là nội dung đáng chú ý tại Thông tư 10/2020/TT-BNNPTNT về Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, cấm sử dụng tại Việt Nam có hiệu lực từ ngày 25/10/2020.
Theo đó, danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam gồm:
- Thuốc sử dụng trong nông nghiệp: 1.795 hoạt chất với 4.153 tên thương phẩm;
- Thuốc trừ mồi: 15 hoạt chất với 25 tên thương phẩm;
- Thuốc bảo quản lâm sản: 7 hoạt chất với 8 tên thương phẩm;
- Thuốc khử trùng kho: 3 hoạt chất với 10 tên thương phẩm;
- Thuốc sử dụng cho sân golf: 4 hoạt chất với 4 tên thương phẩm;
- Thuốc xử lý hạt giống: 22 hoạt chất với 28 tên thương phẩm;
- Thuốc bảo quản nông sản sau thu hoạch: 1 hoạt chất với 1 tên thương phẩm.
2. Quy định đối với hồ sơ gỗ xuất khẩu
Nội dung này được quy định tại Nghị định 102/2020/NĐ-CP về hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam có hiệu lực từ ngày 30/10/2020, theo đó:
Chủ gỗ phải nộp cho cơ quan hải quan nơi đăng ký tờ khai một trong các chứng từ dưới đây cùng với bộ hồ sơ hải quan theo quy định khi làm thủ tục hải quan đối với lô hàng gỗ xuất khẩu:
- Gỗ thuộc Phụ lục CITES: Bản chính hoặc bản sao bản điện tử giấy phép CITES xuất khẩu do Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam cấp.
- Gỗ không thuộc Phụ lục CITES:
+ Lô hàng gỗ xuất khẩu sang thị trường EU: Bản chính hoặc bản sao bản điện tử giấy phép FLEGT;
+ Lô hàng gỗ xuất khẩu sang thị trường ngoài EU:
++ Trường hợp chủ gỗ là doanh nghiệp Nhóm I: Bản chính bảng kê gỗ xuất khẩu do chủ gỗ lập.
++ Trường hợp chủ gỗ không phải là doanh nghiệp Nhóm I: Bản chính bảng kê gỗ xuất khẩu do chủ gỗ lập có xác nhận của cơ quan Kiểm lâm sở tại theo quy định tại Điều 9 Nghị định này.
3. Nội dung thông báo ngừng cấp điện hoặc giảm mức cung cấp điện
Quy định này được đề cập tại Thông tư 22/2020/TT-BCT quy định các điều kiện, trình tự thủ tục ngừng, giảm mức cung cấp điện có hiệu lực từ 30/10/2020.
Theo đó, bên bán điện phải thông báo trước cho bên mua điện khi ngừng, giảm mức cung cấp điện (trừ trường hợp tại Khoản 6 Điều 7 Luật Điện lực và Điều 6 Thông tư 22/2020/TT-BCT ), nội dung thông báo gồm:
- Địa điểm ngừng, giảm mức cung cấp điện; mức công suất giảm hoặc khả năng cung cấp tối đa trong trường hợp giảm mức cung cấp điện;
- Lý do ngừng, giảm mức cung cấp điện;
- Thời gian bắt đầu ngừng, giảm mức cung cấp điện;
- Thời điểm dự kiến đóng điện trở lại hoặc bảo đảm mức cung cấp điện bình thường.
4. Công thức tính mức chi phí cho một lần ngừng, cấp điện trở lại
Theo Thông tư 23/2020/TT-BCT về phương pháp xác định và mức chi phí ngừng, cấp điện trở lại có hiệu lực từ ngày 30/10/2020 thì mức chi phí cho một lần ngừng, cấp điện trở lại được tính theo công thức sau:
T = M x k x n
Trong đó:
- T: Số tiền bên bán điện được phép thu để thực hiện việc ngừng, cấp điện trở lại;
- M: Mức chi phí ngừng, cấp điện trở lại cơ sở theo Điều 6 Thông tư 23/2020;
- k: Hệ số điều chỉnh theo khoảng cách theo Điều 7 Thông tư 23/2020;
- n: Hệ số điều chỉnh theo vùng, miền theo Điều 8 Thông tư 23/2020.
Lưu ý, mức chi phí cho 01 lần ngừng, cấp điện trở lại trên đây chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng (VAT).
Khoản thu chi phí ngừng, cấp điện trở lại được hạch toán vào doanh thu của bên bán điện (phần doanh thu sản xuất kinh doanh khác) và nộp thuế theo quy định.