1. Hộ gia đình, cá nhân không phân loại rác thải sinh hoạt bị phạt tới 1 triệu đồng
Chính phủ ban hành Nghị định 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, trong đó quy định cá nhân không phân loại rác thải sinh hoạt bị phạt tới 1.000.000 đồng.
Cụ thể, Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định mức phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi:
- Hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định;
- Không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.
(Theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP hiện hành, không có quy định về mức phạt đối với cá nhân, hộ gia đình không phân loại rác thải sinh hoạt.)
Đồng thời, quy định phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với cơ quan, tổ chức, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có phát sinh chất thải rắn công nghiệp thông thường trong trường hợp:
- Không phân loại tại nguồn chất thải rắn công nghiệp thông thường theo quy định;
- Thiết bị, dụng cụ lưu chứa chất thải rắn công nghiệp thông thường không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường theo quy định; (Quy định mới bổ sung)
- Kho hoặc khu vực lưu giữ chất thải rắn công nghiệp thông thường không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường theo quy định; (Quy định mới bổ sung)
- Không ký hợp đồng với đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường theo quy định.
Nghị định 45/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 25/8/2022 và thay thế Nghị định 155/2016/NĐ-CP , Nghị định 55/2021/NĐ-CP .
2. Viên chức văn hóa cơ sở phải có kỹ năng tin học, ngoại ngữ cơ bản
Đây là nội dung tại Thông tư 03/2022/TT-BVHTTDL ngày 07/7/2022 về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành văn hóa cơ sở do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành.
Cụ thể, quy định tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của viên chức văn hóa cơ sở như sau:
- Nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn hóa cơ sở;
- Nắm vững lịch sử, văn hóa, xã hội của từng vùng, miền;
- Am hiểu các phương pháp quản lý và có kinh nghiệm về công tác tổ chức và hoạt động của các thiết chế văn hóa cơ sở;
- Có năng lực phân tích, tổng hợp, hệ thống hóa và soạn thảo các văn bản trong lĩnh vực văn hóa cơ sở;
- Có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản, sử dụng được ngoại ngữ hoặc sử dụng được tiếng dân tộc thiểu số đối với viên chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số theo yêu cầu vị trí việc làm.
(Thông tư 03/2022/TT-BVHTTDL đã bỏ yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đối với viên chức văn hóa cơ sở so với quy định hiện hành.
Hiện nay, viên chức văn hóa cơ sở phải đáp ứng yêu cầu về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ như sau:
- Có kiến thức cơ bản về phương pháp hướng dẫn nghiệp vụ văn hóa cơ sở, nhà văn hóa;
- Có kinh nghiệm hướng dẫn về chuyên môn trong lĩnh vực chuyên môn nghiệp vụ được phân công thực hiện;
- Biết sử dụng các phương tiện kỹ thuật phục vụ cho chuyên môn nghiệp vụ được phân công và hiểu biết những nguyên tắc về an toàn lao động nghề nghiệp.)
Thông tư 03/2022/TT-BVHTTDL có hiệu lực từ ngày 25/8/2022 và thay thế Thông tư liên tịch 06/2016/TTLT-BVHTTDL-BNV .
3. Mức hỗ trợ chi thường xuyên cho đơn vị sự nghiệp y tế công lập không đủ chi do ảnh hưởng COVID-19
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 16/2022/QĐ-TTg (có hiệu lực từ ngày 25/8/2022) về cơ chế hỗ trợ chi thường xuyên cho các đơn vị sự nghiệp y tế công lập thu không đủ chi do tác động của dịch COVID-19.
Trong đó quy định cách xác định và mức hỗ trợ chi thường xuyên cho đơn vị sự nghiệp y tế công lập không đủ chi do ảnh hưởng COVID-19 như sau:
- Số chênh lệch thu chi được xác định theo quy định tại Nghị định 43/2006/NĐ-CP , Thông tư 71/2006/TT-BTC và theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế thí điểm tự chủ của một số bệnh viện.
- Trường hợp đơn vị được ngân sách nhà nước thanh toán chi phí xét nghiệm, điều trị COVID-19 theo giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, thì đơn vị phải tổng hợp số được ngân sách nhà nước thanh toán vào số thu và số chi của đơn vị để xác định chênh lệch thu chi thường xuyên trong năm 2021.
- Đối với các khoản chi phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 năm 2021 được ngân sách nhà nước thanh toán hoàn trả theo quy định tại Nghị định 29/2022/NĐ-CP , đơn vị tổng hợp riêng, không tính vào số chi để xác định chênh lệch thu chi thường xuyên trong năm 2021.
- Mức hỗ trợ chi thường xuyên năm 2021 là số được bổ sung dự toán bằng số chênh lệch thu nhỏ hơn chi thường xuyên năm 2021 của đơn vị sự nghiệp y tế công lập sau khi trừ đi số dư Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi, Quỹ dự phòng ổn định thu nhập và nguồn kinh phí cải cách tiền lương còn dư (nếu có) đến hết ngày 31/12/2021.
Lưu ý: Thời gian thực hiện hỗ trợ chi thường xuyên cho các đơn vị sự nghiệp y tế công lập thu không đủ chi do tác động của dịch COVID-19 được thực hiện kể từ ngày 01/01/2021 đến hết ngày 31/12/2021.