1. Quy định về tạm trú, lưu trú trong khu công nghiệp
Đây là nội dung tại Nghị định 35/2022/NĐ-CP về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế ban hành ngày 28/5/2022.
Theo đó, trong khu công nghiệp không có nơi thường trú theo quy định của pháp luật về cư trú.
Chuyên gia, người lao động được phép tạm trú, lưu trú ở cơ sở lưu trú tại khu công nghiệp để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và thực hiện theo quy định sau đây:
+ Đối với chuyên gia, người lao động là người Việt Nam thì thực hiện tạm trú, lưu trú theo quy định của pháp luật về cư trú;
+ Đối với chuyên gia, người lao động là người nước ngoài thì thực hiện tạm trú theo quy định của pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Hiện hành, tại Nghị định 82/2018/NĐ-CP quy định trong khu công nghiệp, khu chế xuất không cho phép dân cư sinh sống.
Trường hợp cần thiết, người nước ngoài (gồm nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia) được phép tạm trú tại doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và tuân thủ các điều kiện cụ thể khác.
Nghị định 35/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/7/2022.
2. Tiêu chuẩn cấp phát trang phục cho Quản lý thị trường các cấp
Theo Nghị định 33/2022/NĐ-CP hướng dẫn Pháp lệnh Quản lý thị trường ban hành ngày 27/5/2022, công chức làm việc tại các cơ quan Quản lý thị trường các cấp được cấp phát trang phục theo tiêu chuẩn sau:
- Áo sơ mi ngắn tay được cấp 02 chiếc/01 năm/01 công chức (Trường hợp cấp lần đầu được cấp: 04 chiếc /01 công chức).
- Áo sơ mi dài tay được cấp 02 chiếc/01 năm/01 công chức, Áo sơ mi mặc trong áo khoác được cấp 02 chiếc/01 năm/01 công chức (Trường hợp cấp lần đầu được cấp: 04 chiếc mỗi loại /01 công chức).
- Áo khoác cho nam và áo khoác cho nữ: 01 chiếc/02 năm/01 công chức (Trường hợp cấp lần đầu được cấp: 02 chiếc/01 công chức).
- Áo măng tô: 01 chiếc/04 năm/01 công chức; áo gi-lê và áo gió: 01 chiếc/02 năm/01 công chức; áo bông: 01 chiếc/04 năm/01 công chức.
- Quần âu cho nam: 02 chiếc/01 năm/01 công chức (Trường hợp cấp lần đầu được cấp: 04 chiếc/01 công chức).
- Quần âu hoặc chân váy cho nữ: 02 chiếc/01 năm/01 công chức (Trường hợp cấp lần đầu được cấp: 04 chiếc/01 công chức).
- Cà vạt: 01 chiếc/02 năm/01 công chức (Trường hợp cấp lần đầu được cấp: 02 chiếc/01 công chức).
- Mũ kê-pi (nam), mũ mềm (nữ), mũ bông và phù hiệu gắn cành tùng: 01 chiếc/04 năm/01 công chức.
- Biển hiệu: 02 chiếc/01 công chức (Trường hợp biển hiệu bị hỏng hoặc bị mất được cấp thay thế).
- Cấp hiệu: 02 bộ/01 công chức (Trường hợp công chức có sự thay đổi về chức vụ lãnh đạo, ngạch công chức hoặc cấp hiệu bị hỏng, bị mất được cấp cấp hiệu thay thế).
Các loại trang phục khác:Thắt lưng, Giày da, Tất, Mũ bảo hiểm dùng đi xe máy, Cặp tài liệu …
Nghị định 33/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/7/2022, thay thế Nghị định 148/2016/NĐ-CP và Nghị định 78/2019/NĐ-CP .
3. Bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học với công chức thuế
Đây là nội dung đáng chú ý tại Thông tư 29/2022/TT-BTC quy định về mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành kế toán, thuế, hải quan, dự trữ.
Theo đó, đối với các ngạch công chức thuế dưới đây, không còn yêu cầu trong tiêu chuẩn trình độ đào tạo, bồi dưỡng phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học:
+ Kiểm tra viên cao cấp thuế - Mã số ngạch: 06.036;
+ Kiểm tra viên chính thuế - Mã số ngạch: 06.037;
+ Kiểm tra viên thuế - Mã số ngạch: 06.038;
+ Kiểm tra viên trung cấp thuế - Mã số ngạch: 06.039;
+ Nhân viên thuế - Mã số ngạch: 06.040.
Tuy nhiên, trong các điều kiện về chuyên môn, nghiệp vụ của 1 số vị trí vẫn yêu cầu khả năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản và sử dụng được ngoại ngữ của công chức thuế.
Thông tư 29/2022/TT-BTC có hiệu lực từ 18/7/2022 và thay thế Thông tư 77/2019/TT-BTC .