1. Tiêu chuẩn bổ nhiệm giám định viên pháp y tâm thần từ ngày 15/12/2022
Thông tư 11/2022/TT-BYT quy định tiêu chuẩn, hồ sơ, thủ tục bổ nhiệm, cấp thẻ, miễn nhiệm và thu hồi thẻ giám định viên pháp y và giám định viên pháp y tâm thần do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành có hiệu lực từ ngày 15/12/2022.
Theo đó, các tiêu chuẩn bổ nhiệm giám định viên pháp y tâm thần được quy định như sau:
Công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam có đủ tiêu chuẩn chung, không thuộc các trường hợp theo quy định tại Luật Giám định tư pháp và đáp ứng các tiêu chuẩn cụ thể sau đây:
* Trình độ chuyên môn:
Là bác sĩ thuộc ngành đào tạo y đa khoa đã được cấp Chứng chỉ hoặc Giấy chứng nhận đào tạo chuyên môn về tâm thần từ 06 tháng trở lên tại cơ sở đào tạo có chức năng đào tạo chuyên ngành tâm thần;
Hoặc bác sĩ đã được cấp văn bằng đào tạo sau đại học chuyên khoa tâm thần (Bác sĩ chuyên khoa I, Bác sĩ chuyên khoa II, Bác sĩ nội trú, Thạc sĩ, Tiến sĩ).
* Nghiệp vụ giám định: Phải có chứng chỉ đào tạo nghiệp vụ giám định pháp y tâm thần do Viện Pháp y tâm thần Trung ương hoặc Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa cấp.
* Thời gian thực tế hoạt động chuyên môn:
Phải có thời gian thực tế hoạt động chuyên môn ở lĩnh vực được đào tạo theo quy định tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ đủ 05 năm trở lên.
Trường hợp đã trực tiếp giúp việc trong hoạt động giám định ở tổ chức giám định pháp y tâm thần thì thời gian hoạt động thực tế chuyên môn ở lĩnh vực được đào tạo từ đủ 03 năm trở lên.
Thông tư 11/2022/TT-BYT có hiệu lực thi hành từ ngày 15/12/2022 và thay thế Thông tư 02/2014/TT-BYT .
2. Giảng viên GDNN không dạy đủ số giờ học có thể bị phạt tới 20.000.000 đồng
Nội dung được đề cập tại Nghị định 88/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp do Chính phủ ban hành ngày 26/10/2022.
Bên cạnh phạt cảnh cáo, giáo viên GDNN không dạy đủ số giờ học trong chương trình đào tạo có thể chịu các mức phạt như sau:
(i) Phạt cảnh cáo đối với hành vi vi phạm dưới 5% tổng số giờ học;
(ii) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm từ 5% đến dưới 10% tổng số giờ học;
(iii) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm từ 10% đến dưới 15% tổng số giờ học;
(iv) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm từ 15% đến dưới 20% tổng số giờ học;
(v) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm từ 20% tổng số giờ học trở lên.
Ngoài việc bị phạt tiền, giáo viên GDNN còn phải thực hiện các biện pháp khắc phục sau đây:
- Buộc dạy đủ số giờ học của các môn trong chương trình đào tạo đối với các hành vi vi phạm trên;
- Buộc hủy bỏ kết quả kiểm tra, thi kết thúc môn học, mô-đun đối với hành vi vi phạm quy định tại (iv) và (v).
Nghị định 88/2022/NĐ-CP có hiệu lực thi hành ngày 12/12/2022.
3. Tiêu chuẩn kiểm soát viên không lưu
Bộ trưởng Bộ GTVT ban hành Thông tư 25/2022/TT-BGTVT ngày 20/10/2022 quy định chi tiết về công tác bảo đảm chuyến bay chuyên cơ, chuyên khoang.
Theo đó, các tiêu chuẩn kiểm soát viên không lưu như sau:
- Có giấy phép kiểm soát viên không lưu với năng định còn hiệu lực.
- Có thời gian điều hành hoạt động bay tại các cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu trong thời gian 03 năm liên tục tính đến thời điểm phục vụ chuyến bay chuyên cơ.
- Có tinh thần trách nhiệm và ý thức tổ chức kỷ luật tốt, lý lịch rõ ràng.
- Trong quá trình công tác không mắc các sai phạm gây uy hiếp an toàn bay (không để xảy ra sự cố hoạt động bay mức D trở lên do nguyên nhân trực tiếp của kiểm soát viên không lưu) trong thời gian 12 tháng tính đến thời điểm thực hiện chuyến bay chuyên cơ, chuyên khoang.
- Được người đứng đầu doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay quyết định bằng văn bản được thực hiện chuyến bay chuyên cơ, chuyên khoang.
Thông tư 25/2022/TT-BGTVT có hiệu lực thi hành từ ngày 15/12/2022 và thay thế Thông tư 28/2010/TT-BGTVT .
4. Nguyên tắc khai thác thông tin giữa CSDL quốc gia về dân cư với các CSDL khác
Nội dung được đề cập tại Thông tư 46/2022/TT-BCA quy định về việc kết nối, chia sẻ và khai thác thông tin giữa CSDL về dân cư với CSDL quốc gia, CSDL chuyên ngành và hệ thống thông tin khác do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành ngày 04/11/2022.
Cụ thể, việc khai thác thông tin giữa CSDL quốc gia về dân cư với các CSDL khác được thực hiện dựa trên các nguyên tắc sau:
- Tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân; bảo đảm các quy định về bảo mật, an ninh, an toàn thông tin mạng theo quy định của pháp luật hiện hành.
- Không làm ảnh hưởng đến quyền lợi và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, không được xâm phạm quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình trừ trường hợp pháp luật khác có quy định.
- Cơ quan quản lý CSDL quốc gia về dân cư Bộ Công an có trách nhiệm kết nối, chia sẻ thông tin trong CSDL quốc gia về dân cư với cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân được kết nối, chia sẻ, khai thác thông tin với CSDL quốc gia về dân cư phải bảo đảm điều kiện hạ tầng hệ thống thông tin, mô hình kết nối, cấu trúc dữ liệu, an ninh, an toàn, bảo mật thông tin theo quy định của pháp luật.
Thông tư 46/2022/TT-BCA có hiệu lực thi hành từ ngày 19/12/2022.