Nội dung đề cập tại Thông tư 01/2023/TT-VPCP quy định một số nội dung và biện pháp thi hành trong số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính và thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
Theo đó, các loại giấy tờ, tài liệu trong thủ tục hành chính sẽ được thực hiện số hóa bao gồm:
- Thứ nhất, giấy tờ là thành phần hồ sơ mà tổ chức, cá nhân nộp để thực hiện thủ tục hành chính, bao gồm các loại sau:
+ Thành phần hồ sơ là kết quả giải quyết của thủ tục hành chính trước đó;
+ Thành phần hồ sơ phải số hóa theo quy định của pháp luật chuyên ngành;
+ Thành phần hồ sơ cần số hóa theo yêu cầu quản lý được xác định tại Quyết định của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
+ Thành phần hồ sơ không thuộc loại được nêu ở trên và được thực hiện số hóa theo nhu cầu của tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính.
- Thứ hai, kết quả thẩm tra, xác minh, trả lời ý kiến của các cơ quan, đơn vị tham gia trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính, trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác.
- Thứ ba, kết quả giải quyết của thủ tục hành chính còn hiệu lực theo quy định tại Điều 25 Nghị định 45/2020/NĐ-CP.
Thông tư 01/2023/TT-VPCP có hiệu lực từ ngày 25/5/2023.
Đây là nội dung tại Thông tư liên tịch 02/2023/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC ngày 31/3/2023 quy định về phối hợp trao đổi thông tin trong điều tra, truy tố, xét xử tội rửa tiền và tội tài trợ khủng bố do Bộ trưởng Bộ Công an - Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao - Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành.
Theo đó, hình thức phối hợp trao đổi thông tin trong điều tra, truy tố, xét xử tội rửa tiền và tội tài trợ khủng bố như sau:
- Trao đổi trực tiếp: Tổ chức họp liên ngành theo các cấp độ chuyên viên hoặc lãnh đạo liên ngành, thành lập tổ, đoàn công tác liên ngành để hướng dẫn hoặc các hình thức phối hợp trực tiếp khác phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử tội rửa tiền và tội tài trợ khủng bố.
- Trao đổi gián tiếp: Trao đổi cung cấp thông tin qua văn bản, phương tiện liên lạc điện tử và các hình thức phối hợp gián tiếp khác.
Xem thêm Thông tư liên tịch 02/2023/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC có hiệu lực từ ngày 25/5/2023.
Đây là nội dung tại Thông tư 07/2023/TT-BGDĐT về Quy chế đào tạo trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non.
Theo đó, 02 hình thức đào tạo trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non bao gồm:
- Đào tạo chính quy:
+ Các hoạt động giảng dạy được thực hiện tại cơ sở đào tạo, riêng những hoạt động thực hành, thực tập, trải nghiệm thực tế và giảng dạy trực tuyến có thể thực hiện ngoài cơ sở đào tạo;
+ Thời gian tổ chức hoạt động giảng dạy trong khoảng từ 06 giờ đến 20 giờ các ngày trong tuần từ thứ 2 đến thứ 7; thời gian tổ chức những hoạt động đặc thù của chương trình đào tạo được thực hiện theo quy định của cơ sở đào tạo.
- Đào tạo vừa làm vừa học:
+ Các hoạt động giảng dạy được thực hiện tại cơ sở đào tạo hoặc tại cơ sở phối hợp đào tạo theo quy định liên kết đào tạo tại Điều 5 của Quy chế, riêng những hoạt động thực hành, thực tập, trải nghiệm thực tế và giảng dạy trực tuyến có thể thực hiện ngoài cơ sở đào tạo, cơ sở phối hợp đào tạo;
+ Thời gian tổ chức hoạt động giảng dạy linh hoạt trong ngày và trong tuần.
Thông tư 07/2023/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 25/5/2023 và thay thế Thông tư 24/2019/TT-BGDĐT ngày 26/12/2019.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT ngày 14/04/2023 sửa đổi, bổ sung các Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp (CDNN) và bổ nhiệm, xếp lương đối với giáo viên các cấp.
Theo đó, tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng của giáo viên tiểu học hạng I từ ngày 30/5/2023 theo quy định tại Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT như sau:
- Có bằng cử nhân trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên đối với giáo viên tiểu học.
Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dành cho giáo viên tiểu học theo chương trình do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành;
(Hiện hành Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT yêu cầu giáo viên tiểu học hạng I phải có bằng thạc sĩ trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên đối với giáo viên tiểu học
Hoặc có bằng thạc sĩ trở lên chuyên ngành phù hợp với môn học giảng dạy hoặc có bằng thạc sĩ quản lý giáo dục trở lên)
- Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học.
(Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT yêu cầu có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng I).
Như vậy, từ ngày 30/5/2023, giáo viên tiểu học hạng I sẽ không còn yêu cầu phải có trình độ thạc sĩ.
Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 30/5/2023.