1. Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022
Một trong những điểm nổi bật của Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 là sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến quyền tác giả, đơn cử như:
- Cho phép tác giả có quyền chuyển quyền sử dụng quyền đặt tên tác phẩm (quyền nhân thân của quyền tác giả) cho tổ chức, cá nhân nhận chuyển giao quyền tài sản theo quy định.
- Tác giả là người trực tiếp sáng tạo tác phẩm. (Thay vì quy định tác giả là người tạo ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm như nội dung tại Nghị định 22/2018/NĐ-CP )
- Về đồng tác giả, trường hợp có từ hai người trở lên cùng trực tiếp sáng tạo tác phẩm với chủ ý là sự đóng góp của họ được kết hợp thành một tổng thể hoàn chỉnh thì những người đó là các đồng tác giả.
(Trong khi theo Nghị định 22/2018/NĐ-CP thì đồng tác giả là những tác giả cùng trực tiếp sáng tạo ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học.)
- Bổ sung quy định về các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả dành cho người khuyết tật.
2. Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022
- Doanh nghiệp bảo hiểm không được kinh doanh bất động sản từ ngày 01/01/2028.
- Không quy định về thời hiệu khởi kiện về hợp đồng bảo hiểm và thời điểm phát sinh trách nhiệm bảo hiểm nhằm trong Luật Kinh doanh bảo hiểm để đảm bảo thống nhất với các quy định tại Bộ luật Dân sự 2015.
Tại Điều 429 Bộ luật Dân sự 2015 quy định thời hiệu khởi kiện về hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết; hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm và dễ áp dụng hơn trên thực tế.
- Quy định 05 loại Hợp đồng bảo hiểm gồm: Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ; Hợp đồng bảo hiểm sức khỏe; Hợp đồng bảo hiểm tài sản; Hợp đồng bảo hiểm thiệt hại; Hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm.
Đối với loại Hợp đồng bảo hiểm hàng hải được thực hiện theo quy định của Bộ luật Hàng hải; nội dung không quy định tại Bộ luật Hàng hải thì thực hiện theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm.
- Bãi bỏ Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm từ ngày 01/01/2023.
Trên đây là một số điểm mới của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 thay thế Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000.
3. Luật Cảnh sát cơ động 2022
Đây là Luật mới thay thế cho Pháp lệnh Cảnh sát cơ động 2013, với một số điểm nổi bật như sau:
- Về tuyển chọn công dân vào Cảnh sát cơ động:
Công dân Việt Nam không phân biệt nam, nữ, có phẩm chất chính trị, đạo đức, có sức khỏe, độ tuổi phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và tự nguyện thì được tuyển chọn vào Cảnh sát cơ động.
Cảnh sát cơ động được ưu tiên tuyển chọn trong các công dân vừa nêu những người có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ hoặc có năng khiếu, tài năng phù hợp để phục vụ lâu dài trong Cảnh sát cơ động.
- Bổ sung thêm quy định Nhà nước ưu tiên đầu tư trang bị hiện đại, nghiên cứu, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ cho các hoạt động của Cảnh sát cơ động.
- 04 đối tượng được phép điều động Cảnh sát cơ động gồm: Bộ trưởng Bộ Công an; Tư lệnh Cảnh sát cơ động; Giám đốc Công an cấp tỉnh; Chỉ huy đơn vị Cảnh sát cơ động.
- Về vị trí, chức năng của Cảnh sát cơ động: Đây là lực lượng vũ trang nhân dân thuộc Công an nhân dân Việt Nam, là lực lượng nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
4. Luật Điện ảnh 2022
Luật Điện ảnh 2022 thay thế Luật Điện ảnh 2006 và có một số điểm mới đáng chú ý sau đây:
- Kinh doanh dịch vụ phổ biến phim là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Luật mới không quy định phát hành phim là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
- Bổ sung các thuật ngữ như Công nghiệp điện ảnh, Phân loại phim, Phim Việt Nam, Trường quay và Địa điểm chiếu phim công cộng,...
- Chủ thể được phép phổ biến phim trên không gian mạng là doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức thực hiện hoạt động phổ biến phim theo quy định.
- Đối với hoạt động cung cấp dịch vụ dụng bối cảnh quay phim tại Việt Nam: hồ sơ xin cấp phép yêu cầu có kịch bản tóm tắt phim và kịch bản chi tiết nội dung quay tại Việt Nam.