1. Thay đổi mã vùng điện thoại cố định
Theo Thông tư 22/2014/TT-BTTTT về Quy hoạch kho số viễn thông thì mã vùng điện thoại các tỉnh thành trực thuộc trung ương sẽ thay đổi như sau:
TP Hà Nội đổi từ 4 thành 24; TP Hồ Chí Minh đổi từ 8 thành 28; TP Đà Nẵng đổi từ 511 thành 236; TP Hải Phòng đổi từ 31 thành 225; TP Cần Thơ đổi từ 710 thành 292,…
Số thuê bao điện thoại cố định sẽ có độ dài từ 7 – 8 chữ số (trước đây cho phép từ 6 – 9 chữ số).
Đối với mạng viễn thông di động đã có quy định cụ thể về mã mạng (có độ dài 2 chữ số); số thuê bao có độ dài từ 7 – 8 chữ số (trước đây là 7 – 9 chữ số).
Đối với mạng viễn thông dùng riêng của cơ quan Đảng, Nhà nước; Bộ Quốc phòng; Bộ Công an số thuê bao có độ dài 5, 6 hoặc 7 chữ số phụ thuộc vào quy mô của mỗi mạng và giai đoạn áp dụng.
Số dịch vụ khẩn cấp vẫn giữ nguyên có 3 chữ số là: 112 là số dịch vụ gọi tìm kiếm, cứu nạn; 113 là số dịch vụ gọi Công an; 114 là số dịch vụ gọi Cứu hỏa; 115 là số dịch vụ gọi Cấp cứu y tế.
Số dịch vụ khẩn cấp là số dịch vụ toàn quốc.
Thông tư trên thay thế Quyết định 52/2006/QĐ-BBCVT, 53/2006/QĐ-BBCVT .
2. Chế độ bồi dưỡng đi biển đối với Kiểm ngư viên, Thuyền viên
Theo Quyết định 02/2015/QĐ-TTg thì mức hưởng chế độ bồi dưỡng đi biển là 150.000 đồng/người/ngày thực tế đi biển thực hiện nhiệm vụ đối với các đối tượng sau:
- Kiểm ngư viên, Thuyền viên tàu Kiểm ngư, công chức, viên chức và người lao động các đơn vị thuộc Cục Kiểm ngư, người được cấp có thẩm quyền cử biệt phái, điều động tham gia thực hiện nhiệm vụ Kiểm ngư trên biển.
- Người được cơ quan, đơn vị cử tham gia phối hợp thực hiện nhiệm vụ trên tàu Kiểm ngư.
Nguồn kinh phí thực hiện chế độ bồi dưỡng đi biển được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước.
3. Hướng dẫn đặt biển báo hiệu hạn chế trọng lượng xe qua cầu đường bộ
Cầu không đảm bảo điều kiện quy định phải đặt biển báo hiệu hạn chế trọng lượng xe qua cầu.
Theo đó, trị số ghi trên biển báo hiệu là kết quả tính toán hoặc kiểm định cầu, làm tròn số đến đơn vị tấn, được quyết định bởi cấp có thẩm quyền quy định.
Nội dung trên được quy định tại Thông tư 84/2014/TT-BGTVT về tổ chức giao thông và đặt biển báo hiệu hạn chế trọng lượng xe qua cầu đường bộ.
Mặt khác, biển báo hiệu hạn chế trọng lượng xe được lắp đặt cho từng cầu, biển đặt bên phải theo chiều đi, cách hai đầu cầu từ 10 đến 30 mét ở vị trí dễ quan sát.
4. Quy định mới về xử lý tiền tạm ứng án phí
Theo Nghị quyết 02/2015/NQ-HĐTP, sẽ sung vào công quỹ nhà nước số tiền tạm ứng án phí đã nộp trong trường hợp:
- Người bị kiện hủy bỏ quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh;
- Chấm dứt hành vi hành chính bị khởi kiện và người khởi kiện đồng ý rút đơn khởi kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập đồng ý rút yêu cầu.
5. Không được phép phát hành hơn 1 Ví điện tử cho 1 tài khoản
Tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử không được phép:
- Phát hành hơn 01 (một) Ví điện tử cho một tài khoản thanh toán của khách hàng tại một ngân hàng.
- Cấp tín dụng cho khách hàng sử dụng Ví điện tử, trả lãi trên số dư Ví điện tử hoặc bất kỳ hành động nào có thể làm tăng giá trị tiền tệ trên Ví điện tử.
Đó là nội dung được quy định trong Thông tư 39/2014/TT-NHNN hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán.
Mặt khác, tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử phải có công cụ để Ngân hàng Nhà nước kiểm tra, giám sát theo thời gian thực tổng số tiền của khách hàng trên các Ví điện tử và tổng số tiền trên tài khoản đảm bảo thanh toán của tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử tại các ngân hàng.
Việc nạp tiền vào Ví điện tử, rút tiền ra khỏi Ví điện tử của khách hàng phải thực hiện thông qua tài khoản thanh toán của khách hàng tại ngân hàng.
6. Quy định mới về hoạt động y tế trên môi trường mạng
Cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng và triển khai các hoạt động y tế trên môi trường mạng trên lãnh thổ Việt Nam phải đáp ứng điều kiện về nhân lực như sau:
Bảo đảm nhân lực chuyên trách về công nghệ thông tin (CNTT) đáp ứng được yêu cầu hoạt động y tế trên môi trường mạng của cơ quan.
Đối với các cơ quan sự nghiệp hạng đặc biệt, hạng 1 và các trường đại học phải có phòng CNTT, tối thiểu 5 người, trong đó có trình độ từ cao đẳng chuyên ngành CNTT trở lên chiếm 60% tổng số nhân lực của phòng.
Đối với các cơ quan sự nghiệp hạng 2, hạng 3 bảo đảm phải có tổ CNTT trở lên với nhân sự tối thiểu là 3 người có trình độ CNTT từ trung cấp trở lên.
Trường hợp thuê nhân lực bên ngoài, nhân lực tham gia hoạt động y tế trên môi trường mạng của đơn vị được thuê phải đáp ứng yêu cầu chuyên môn nghiệp vụ và trong hợp đồng có điều khoản ghi rõ việc thực hiện cam kết.
Nội dung trên được Bộ Y Tế quy định tại Thông tư 53/2014/TT-BYT .
(Còn nữa)