1. Lĩnh vực Lao động – Tiền lương
Từ ngày 06/04, Nghị định 17/2015/NĐ-CP quy định tiền lương tăng thêm đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang có hệ số lương từ 2,34 trở xuống chính thức có hiệu lực.
Theo đó, mức tiền lương tăng thêm hàng tháng được tính theo công thức sau:
Mức tiền lương tăng thêm hàng tháng = [Hệ số lương theo ngạch, bậc, chức danh] x [mức lương cơ sở 1,150,000 đồng] x [8%]
Việc tăng lương này áp dụng từ ngày 01/01/2015, tiền lương tăng thêm không dùng để tính đóng, hưởng BHXH, BHYT, BHTN và các loại phụ cấp lương.
Ngoài việc quy định cụ thể 11 đối tượng thuộc diện được tăng lương, Nghị định cũng quy định 3 nhóm đối tượng không thuộc diện được tăng lương:
- Người có hệ số lương từ 2,34 trở xuống đã được hưởng hệ số tiền lương tăng thêm hàng tháng bằng hoặc cao hơn 0,08 so với mức lương cơ sở.
- Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố hưởng phụ cấp hàng tháng theo Nghị định 29/2013/NĐ-CP .
- Hạ sĩ quan, binh sĩ nghĩa vụ thuộc Quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ phục vụ có thời hạn thuộc Công an nhân dân hưởng phụ cấp quân hàm.
2. Lĩnh vực Đầu tư
Từ ngày 10/04, Nghị định 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư chính thức có hiệu lực.
Theo đó, các dự án do Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh đề xuất muốn được lựa chọn thực hiện theo hình thức đối tác công tư phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, vùng và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương;
- Phù hợp với lĩnh vực đầu tư quy định tại Điều 4 Nghị định này;
- Có khả năng thu hút và tiếp nhận nguồn vốn thương mại, công nghệ, kinh nghiệm quản lý của nhà đầu tư;
- Có khả năng cung cấp sản phẩm, dịch vụ liên tục, ổn định, đạt chất lượng đáp ứng nhu cầu của người sử dụng;
- Có tổng vốn đầu tư từ 20 tỷ đồng trở lên, trừ dự án đầu tư theo hợp đồng O&M và dự án công trình kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và dịch vụ phát triển liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
3. Lĩnh vực Doanh nghiệp
Từ ngày 06/04, Nghị định 22/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phá sản về Quản tài viên và hành nghề quản lý, thanh lý tài sản chính thức có hiệu lực.
Theo đó, có một số nội dung được hướng dẫn cần chú ý như:
- Những hành vi bị nghiêm cấm đối với Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản;
- Thủ tục cấp, cấp lại, thu hồi chứng chỉ hành nghề Quản tài viên;
- Thủ tục đăng ký hành nghề quản lý, thanh lý tài sản đối với cá nhân, doanh nghiệp;
- Các trường hợp tạm đình chỉ hành nghề đối với Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản;
- Mức thù lao quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản;
- Một số biểu mẫu, đơn đề nghị được ban hành tại Phụ lục kèm Nghị định 22.
4. Lĩnh vực Dịch vụ pháp lý
Từ ngày 10/04/2015, việc cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch được thực hiện theo Nghị định 23/2015/NĐ-CP .
Theo đó, Nghị định quy định cụ thể và rõ ràng hơn về thầm quyền và trách nhiệm của UBND các cấp, Phòng Tư pháp trong việc cấp bản sao và chứng thực giấy tờ.
Đặc biệt, Nghị định 23 dành riêng một điều để quy định về điều khoản chuyển tiếp, cụ thể:
- Đối với những địa bàn cấp huyện, xã đã chuyển giao việc chứng thực hợp đồng, giao dịch cho các tổ chức hành nghề công chứng, mà hợp đồng, giao dịch trước đó được chứng thực tại UBND cấp huyện, xã thì việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, sửa lỗi sai sót trong khi ghi chép, đánh máy, in hợp đồng, giao dịch vẫn được thực hiện tại UBND cấp huyện, xã, nơi đã thực hiện chứng thực trước đây.
- UBND cấp huyện thực hiện chứng thực hợp đồng, giao dịch về nhà ở tại đô thị theo quy định tại Điều 93 của Luật Nhà ở năm 2005 cho đến hết ngày 30/06/2015.
5. Lĩnh vực Tài chính nhà nước
Từ 06/04, Nghị định 16/2015/NĐ-CP Quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập chính thức có hiệu lực. Theo đó:
- Giá dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng kinh phí NSNN thực hiện theo cơ chế thị trường; riêng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và dịch vụ giáo dục, đào tạo tại các cơ sở của Nhà nước thực hiện theo pháp luật về giá.
- Giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí NSNN được xác định trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí do cơ quan có thẩm quyền ban hành.
- Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan Trung ương xác định theo ngành, lĩnh vực quản lý trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
- Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN của địa phương do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định.
- Phí dịch vụ sự nghiệp công thuộc danh mục thu phí thực hiện theo quy định pháp luật về phí, lệ phí.
6. Lĩnh vực Giáo dục
Ngày 25/02/2015, Bộ Lao động – Thương binh và xã hội ban hành danh mục thiết bị dạy nghề trọng điểm cấp độ quốc gia trình độ trung cấp nghề, trình độ cao đẳng nghề cho các nghề:
- Kỹ thuật sửa chữa, lắp ráp máy tính;
- Quản trị mạng máy tính;
- Kỹ thuật xây dựng;
- Cắt gọt kim loại;
- Hàn;
- Công nghệ ô tô;
- Điện dân dụng; điện công nghiệp;
- Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí;
- Điện tử dân dụng;
- Điện tử công nghiệp;
- May thời trang;
- Nghiệp vụ nhà hàng - quản trị nhà hàng;
- Kỹ thuật chế biến món ăn.
Nội dung trên được đề cập tại Thông tư 06/2015/TT-BLĐTBXH và có hiệu lực từ ngày 10/04/2015.
7. Lĩnh vực Nhập khẩu
Theo Quyết định 485/QĐ-BNN-BVTV , từ ngày 07/04, sẽ tạm ngừng nhập khẩu lạc nhân (Arachis hypogaea) từ Ấn Độ do bị nhiễm mọt lạc serratus (Caryedon serratus Olivier) là đối tượng kiểm dịch thực vật của Việt Nam.