1. Hướng dẫn mới về thuế GTGT
Từ ngày 05/11/2017, Thông tư 93/2017/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến thuế GTGT bắt đầu có hiệu lực thi hành.
Theo đó, có những nội dung mới như sau:
- Bỏ hướng dẫn nộp Mẫu 06/GTGT để đăng ký áp dụng thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ đối với cơ sở kinh doanh mới thành lập và cơ sở kinh doanh đang hoạt động có doanh thu chịu thuế GTGT dưới 1 tỷ đồng.
- Bỏ hướng dẫn nộp Mẫu 06/GTGT khi chuyển đổi phương pháp tính thuế GTGT.
- Bổ sung hướng dẫn phương pháp tính thuế GTGT của cơ sở kinh doanh xác định theo Hồ sơ khai thuế GTGT hướng dẫn tại Điều 11 Thông tư 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013.
2. Điều kiện bán rượu tiêu dùng tại chỗ
Đây là quy định mới đáng chú ý tại Nghị định 105/2017/NĐ-CP về kinh doanh rượu (có hiệu lực từ ngày 01/11/2017 và thay thế Nghị định 94/2012/NĐ-CP ngày 12/11/2012).
Theo đó, bán rượu tiêu dùng tại chỗ là hoạt động bán rượu trực tiếp cho người mua để tiêu dùng tại địa điểm bán hàng.
Điều kiện kinh doanh gồm:
- Là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc hộ kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp luật.
- Có quyền sử dụng hợp pháp địa điểm kinh doanh cố định, địa chỉ rõ ràng.
- Rượu phải được cung cấp bởi thương nhân có Giấy phép sản xuất, phân phối, bán buôn hoặc bán lẻ rượu.
- Bảo đảm tuân thủ đầy đủ các điều kiện về PCCC, bảo vệ môi trường theo quy định.
- Trường hợp thương nhân tự sản xuất rượu để bán tiêu dùng tại chỗ thì phải có Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp hoặc Giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh theo quy định tại Nghị định này.
Đến trước ngày 01/02/2018, thương nhân bán rượu tiêu dùng tại chỗ phải làm thủ tục cấp giấy phép bán rượu tiêu dùng tại chỗ.
3. Bãi bỏ một số điều kiện cấp Giấy phép mua bán thuốc lá
Đây là nội dung nổi bật tại Nghị định 106/2017/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 01/11/2017) sửa đổi, bổ sung Nghị định 67/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá về kinh doanh thuốc lá.
Theo đó, đối với cấp Giấy phép phân phối sản phẩm thuốc lá (SPTL) và Giấy phép bán buôn SPTL, bãi bỏ các điều kiện:
- Có phương tiện vận tải thuộc sở hữu hoặc đồng sở hữu theo hợp đồng liên doanh, liên kết góp vốn hoặc có hợp đồng thuê phương tiện vận tải phù hợp với quy mô kinh doanh của doanh nghiệp.
- Đáp ứng yêu cầu bảo quản được chất lượng của SPTL trong thời gian vận chuyển.
Bãi bỏ điều kiện về diện tích của điểm kinh doanh đối với cấp Giấy phép bán lẻ SPTL.
4. Thay đổi điều kiện buôn bán phân bón của tổ chức, cá nhân
Từ ngày 20/9/2017, Nghị định 108/2017/NĐ-CP về quản lý phân bón bắt đầu có hiệu lực.
Theo đó, so với Nghị định 202/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2013, điều kiện buôn bán phân bón của tổ chức, cá nhân có một số thay đổi:
- Cửa hàng buôn bán phải có biển hiệu; sổ ghi chép việc mua, bán phân bón; bảng giá bán công khai từng loại phân bón niêm yết tại nơi dễ thấy, dễ đọc;
(Quy định cũ chỉ yêu cầu nơi bày bán phải bảo đảm giữ được chất lượng phân bón theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa).
- Người trực tiếp bán phân bón: Phải có GCN bồi dưỡng chuyên môn về phân bón, trừ trường hợp đã có trình độ trung cấp trở lên một trong các chuyên ngành về lĩnh vực trồng trọt, bảo vệ thực vật, nông hóa thổ nhưỡng, nông học, hóa học, sinh học.
5. Phương án cắt giảm điều kiện đầu tư, kinh doanh của BCT
Ngày 20/9/2017, Bộ Công thương ban hành Quyết định 3610A/QĐ-BCT về Phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ giai đoạn 2017 – 2018.
Theo đó, rà soát cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh các ngành, nghề, như là: Kinh doanh thực phẩm, điện lực, dịch vụ logistic, hóa chất, rượu, sản phẩm thuốc lá…