1. Các trường hợp phải tạm đình chỉ phân loại trang thiết bị y tế
Nội dung này được đề cập tại Nghị định 169/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 36/2016/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế.
Theo đó, quy định cụ thể về các trường hợp phải tạm đình chỉ hoạt động phân loại trang thiết bị y tế; đơn cử như:
- Thực hiện việc phân loại trang thiết bị y tế khi chưa công bố đủ điều kiện thực hiện việc phân loại trang thiết bị y tế;
- Sử dụng tài liệu không đảm bảo tính trung thực, chính xác để công bố đủ điều kiện thực hiện việc phân loại trang thiết bị y tế;
- Không đủ điều kiện theo quy định về điều kiện, hồ sơ, thủ tục công bố đủ điều kiện phân loại trang thiết bị y tế;
- Ban hành kết quả phân loại sai làm giảm mức độ rủi ro của trang thiết bị y tế.
Nghị định 169/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 31/12/2018.
2. Đã có văn bản hướng dẫn chế độ kế toán cho DN siêu nhỏ
Ngày 28/12/2018, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 132/2018/TT-BTC hướng dẫn Chế độ kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ (DNSN). Theo đó:
- DNSN được tự xây dựng biểu mẫu chứng từ kế toán phù hợp với đặc điểm hoạt động kinh doanh của mình, đảm bảo rõ ràng, minh bạch, dễ kiểm tra, kiểm soát (trừ hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ).
Nếu không tự xây dựng được thì được áp dụng biểu mẫu và phương pháp ghi chép sổ kế toán hướng dẫn tại Thông tư 132/2018.
- DNSN phải áp dụng chế độ kế toán nhất quán trong một năm tài chính; việc thay đổi chế độ kế toán áp dụng chỉ được thực hiện tại thời điểm đầu năm tài chính kế tiếp.
- DNSN có thể lựa chọn áp dụng Chế độ kế toán doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Thông tư 133/2016/TT-BTC cho phù hợp với đặc điểm hoạt động sản xuất kinh doanh và yêu cầu quản lý của doanh nghiệp.
Thông tư 132/2018/TT-BTC có hiệu lực thi hành từ 15/02/2019, áp dụng cho năm tài chính bắt đầu hoặc sau ngày 01/4/2019.
3. Các trường hợp bị thu hồi chứng chỉ đại lý bảo hiểm
Ngày 24/12/2018, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 125/2018/TT-BTC quy định về việc cấp chứng chỉ đại lý bảo hiểm.
Theo đó, các trường hợp sau đây sẽ bị thu hồi chứng chỉ đại lý bảo hiểm (ĐLBH):
- Cá nhân không tham dự kỳ thi chứng chỉ ĐLBH do Bộ Tài chính tổ chức;
- Thí sinh dự thi không thi đỗ kỳ thi chứng chỉ ĐLBH theo quy định tại Thông tư 125;
- Thí sinh dự thi giả mạo giấy tờ về nhân thân (thẻ CCCD, CMND, hộ chiếu) hoặc sử dụng giấy tờ chứng minh nhân thân của người khác khi tham dự kỳ thi;
- Thí sinh dự thi được đào tạo trong thời gian cơ sở đào tạo bị buộc đình chỉ hoạt động đào tạo ĐLBH theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm.
Thông tư 125/2018/TT-BTC có hiệu lực thi hành từ 01/3/2019.
4. Thời hạn gửi báo cáo về thi hành pháp luật xử lý VPHC
Ngày 14/12/2018, Bộ Tư pháp ban hành Thông tư 16/2018/TT-BTP quy định chế độ báo cáo trong quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính (VPHC) và theo dõi tình hình thi hành pháp luật.
Theo đó, thời hạn gửi các báo cáo liên quan đến tình hình thi hành pháp luật cho Bộ Tư pháp đã có sự thay đổi, cụ thể:
- Đối với báo cáo trong quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý VPHC thì cơ quan, đơn vị phải gửi đến Bộ Tư pháp chậm nhất là 07 ngày, kể từ ngày chốt số liệu (quy định hiện hành là 20 ngày).
- Đối với báo cáo trong công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật được thực hiện theo quy định về chế độ báo cáo của cơ quan hành chính nhà nước (hiện hành là chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày chốt số liệu).
Thông tư 16/2018/TT-BTP có hiệu lực thi hành từ 01/02/2019 và thay thế Thông tư 10/2015/TT-BTP ngày 31/8/2015.