1. Quy định mới về tham dự, biểu quyết tại hội nghị nhà chung cư
Điểm mới này được quy định tại Thông tư 06/2019/TT-BXD sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư liên quan đến quản lý, sử dụng nhà chung cư (NCC), cụ thể:
- Quyền biểu quyết tại hội nghị NCC tính theo diện tích sở hữu riêng của chủ sở hữu căn hộ, chủ sở hữu phần diện tích khác trong nhà NCC theo nguyên tắc 1m2 diện tích sở hữu riêng tương đương 01 phiếu biểu quyết.
(Quy định hiện hành tính theo đơn vị căn hộ, mỗi căn hộ trong NCC tương đương với 01 phiếu biểu quyết và theo phần diện tích khác trong NCC không phải là căn hộ).
- Chủ sở hữu căn hộ hoặc phần diện tích khác trong NCC được ủy quyền cho chủ sở hữu khác trong NCC đó hoặc người đang sử dụng NCC đó tham dự họp và thay mặt biểu quyết tại hội nghị NCC.
(Hiện nay chỉ cho phép mỗi chủ sở hữu căn hộ hoặc phần diện tích khác trong NCC ủy quyền cho 01 người đang sử dụng căn hộ hoặc phần diện tích khác trong NCC đó tham dự hội nghị).
Thông tư 06/2019/TT-BXD có hiệu lực từ ngày 01/01/2020.
“Với những nội dung mới tại Thông tư 06/2019/TT-BXD sẽ góp phần vào việc quản lý, sử dụng nhà chung cư thiết thực và hiệu quả hơn; quyền biểu quyết tại Hội nghị nhà chung cư phù hợp với thực tế” – Đây là nhận định của Luật gia Bùi Tường Vũ, Giám đốc THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
2. 06 loại tàu biển đã qua sử dụng được phép nhập khẩu để phá dỡ
Nội dung này được quy định tại Nghị định 82/2019/NĐ-CP về nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng có hiệu lực từ ngày 30/12/2019.
Theo đó, tàu biển đã qua sử dụng có thân tàu không bằng vật liệu phi kim loại được phép nhập khẩu để phá dỡ gồm:
- Tàu chở hàng khô, gồm: Hàng tổng hợp, hàng rời, hàng thiết bị, gỗ dăm, gỗ cây, ngũ cốc, hàng đóng bao, hàng sắt thép;
- Tàu container;
- Tàu chở quặng;
- Tàu chở hàng lỏng, gồm: Dầu thô, dầu sản phẩm, dầu thực vật;
- Tàu chở gas, khí hóa lỏng;
- Tàu Ro-Ro, tàu khách, sà lan biển, phà biển.
Quy định mới đã bỏ đi 05 loại tàu biển đã qua sử dụng được phép nhập khẩu để phá dỡ, gồm: Giàn khoan nổi; Giàn khoan tự nâng; Tàu chứa nổi; Phương tiện chứa nổi và chuyển tải sản phẩm; Các loại tàu biển khác.
3. Công trình phòng chống thiên tai được hỗ trợ tu sửa tối đa 03 tỷ đồng
Đây là nội dung nổi bật tại Nghị định 83/2019/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 94/2014/NĐ-CP về thành lập và quản lý Quỹ phòng, chống thiên tai có hiệu lực từ ngày 01/01/2020. Theo đó:
Quỹ phòng, chống thiên tai chi hỗ trợ kinh phí tu sửa, xử lý khẩn cấp đê, kè, cống và công trình phòng chống thiên tai tối đa không quá 3 tỷ đồng/công trình.
(Hiện tại chi hỗ trợ tu sửa khẩn cấp công trình phòng chống thiên tai có giá trị nhỏ hơn 1 tỷ đồng/1 công trình).
Bên cạnh đó, hỗ trợ chi thù lao cho lực lượng trực tiếp thu và các chi phí hành chính phát sinh liên quan đến công tác thu Quỹ nhưng không vượt quá 3% tổng số thu.
Chủ tịch UBND các cấp quyết định mức chi và nội dung chi cho các đối tượng theo đề nghị của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cùng cấp.
4. Từ 15/01/2020, thay đổi mức vốn pháp định của Quỹ TDND
Đây là nội dung đáng chú ý tại Nghị định 86/2019/NĐ-CP về mức vốn pháp định của tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài (NHNN) có hiệu lực từ ngày 15/01/2020.
Theo đó, mức vốn pháp định của Quỹ tín dụng nhân dân (TDND) được quy định như sau:
- Hoạt động trên địa bàn một xã, một thị trấn: 0,5 tỷ đồng;
- Hoạt động trên địa bàn một phường; trên địa bàn liên xã, liên xã phường, liên phường: 01 tỷ đồng.
(Quy định hiện nay, mức vốn pháp định của Quỹ TDND cơ sở là 0,1 tỷ đồng)
Mức vốn pháp định của một số TCTD, chi nhánh NHNN vẫn giữ nguyên như hiện tại, cụ thể:
- Ngân hàng thương mại; ngân hàng hợp tác xã: 3.000 tỷ đồng;
- Ngân hàng chính sách: 5.000 tỷ đồng;
- Chi nhánh NHNN: 15 triệu đô la Mỹ (USD);
- Công ty tài chính: 500 tỷ đồng.