Cụ thể thắc mắc như sau: Tại Khoản 2 Điều 35 Nghị định 119/2018/NĐ-CP quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ quy định “Việc tổ chức thực hiện hóa đơn điện tử, hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo quy định của Nghị định này thực hiện xong đối với các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ, cá nhân kinh doanh chậm nhất là ngày 01 tháng 11 năm 2020”.
Tuy nhiên, tại Khoản 2 Điều 151 Luật quản lý thuế 2019 quy định “Quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử của Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2022”.
Vậy khi nào bắt buộc tất cả doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ, cá nhân kinh doanh phải sử dụng hóa đơn điện tử?
Ảnh minh họa (Nguồn Internet)
Về vấn đề này, Luật gia Bùi Tường Vũ, Giám đốc THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
- Tại Khoản 2 Điều 156 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 quy định “Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn”. Như vậy, trong trường hợp này phải áp dụng quy định tại Luật quản lý thuế 2019, bắt buộc mọi cá nhân, tổ chức áp dụng hóa đơn điện tử kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2022.
Đến ngày 01 tháng 7 năm 2020, Luật quản lý thuế 2019 bắt đầu có hiệu lực thi hành; nên trong thời gian tới Chính phủ sẽ ban hành Nghị định hướng dẫn rõ về vấn đề này.
- Đồng thời, với những lợi ích của việc sử dụng hóa đơn điện tử nên Luật quản lý thuế 2019 cũng khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân áp dụng quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử của Luật này trước ngày 01 tháng 7 năm 2022.
Luật gia Bùi Tường Vũ