1. Điều chỉnh tăng tiền lương năm 2020 cho cán bộ, công chức
Nội dung này được đề cập tại Quyết định 1704/QĐ-TTg ngày 29/11/2019 của Thủ tướng về giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2020.
Theo đó, từ ngày 01/7/2020, điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1.49 triệu đồng/tháng lên 1.6 triệu đồng/tháng.
Đồng thời, điều chỉnh tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng (đối tượng do ngân sách nhà nước đảm bảo) và trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng bằng mức tăng lương cơ sở.
Tiếp tục thực hiện chính sách tạo nguồn để cái cách tiền lương năm 2020 từ một phần nguồn thu được để lại theo chế độ của các cơ quan, đơn vị; tiết kiệm 10% chi thường xuyên tăng thêm; nguồn cải cách tiền lương đến hết năm 2019 còn dư chuyển sang (nếu có).
2. 04 yêu cầu đối với sữa tươi trong Chương trình Sữa học đường
Đây là nội dung trọng tâm tại Thông tư 31/2019/TT-BYT quy định yêu cầu đối với sản phẩm sữa tươi sử dụng trong Chương trình Sữa học đường có hiệu lực từ ngày 20/01/2020.
Theo đó, sản phẩm sữa tươi trong Chương trình Sữa học đường phải đáp ứng đủ các yêu cầu sau:
- Phải đảm bảo đủ 21 vi chất dinh dưỡng với hàm lượng tương ứng, đơn cử như Vitamin D3, Can xi, Sắt, Vitamin A, C, E,...
- Nguyên liệu đầu vào phải bảo đảm đúng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sữa tươi nguyên liệu ban hành kèm theo Thông tư 29/2017/TT-BNNPTNT ngày 29/12/2017.
- Phải được cơ sở sản xuất, kinh doanh công bố sản phẩm trước khi lưu thông trên thị trường theo quy định.
- Việc ghi nhãn sản phẩm phải được thực hiện theo Nghị định 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 và Quyết định 1783/QĐ-BYT ngày 13/5/2019.
“Việc yêu cầu các sản phẩm sữa tươi phục vụ chương trình sữa học đường phải đảm bảo đủ 21 vi chất dinh dưỡng với hàm lượng tương ứng là thực sự cần thiết. Điều này sẽ góp phần đảm bảo được chất lượng sữa cho chương trình, cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học” – Đây là nhận định của Luật sư Nguyễn Thụy Hân, Phụ trách mạng Cộng Đồng Ngành Luật của LawSoft.
3. Thêm trường hợp bằng đại học bị thu hồi, hủy bỏ
Thông tư 21/2019/TT-BGDĐT quy định văn bằng, chứng chỉ (trong đó có bằng tốt nghiệp đại học) bị thu hồi, hủy bỏ trong các trường hợp sau đây:
- Có hành vi gian lận trong tuyển sinh, học tập, thi cử, bảo vệ đồ án, khóa luận tốt nghiệp, luận văn, luận án hoặc gian lận trong việc làm hồ sơ để được cấp văn bằng, chứng chỉ;
- Cấp cho người không đủ điều kiện;
- Do người không có thẩm quyền cấp;
- Bị tẩy xóa, sửa chữa;
- Để cho người khác sử dụng;
- Do lỗi của cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng, chứng chỉ.
Như vậy, so với quy định hiện nay tại Thông tư 19/2015/TT-BGDĐT ngày 08/9/2015 thì quy định mới đã bổ sung trường hợp văn bằng, chứng chỉ bị thu hồi, hủy bỏ do lỗi của cơ quan có thẩm quyền cấp.
Thông tư 21/2019/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 15/01/2020.
4. Bổ sung trường hợp đăng ký thế chấp QSDĐ, tài sản gắn liền với đất
Thông tư 07/2019/TT-BTP đã bổ sung thêm trường hợp đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất (QSDĐ), tài sản gắn liền với đất sau đây:
Đăng ký thế chấp dự án đầu tư xây dựng nhà ở, dự án đầu tư xây dựng công trình xây dựng không phải là nhà ở, dự án đầu tư xây dựng khác theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, các trường hợp đăng ký thế chấp QSDĐ, tài sản gắn liền với đất còn lại giữ nguyên như quy định hiện hành gồm:
- Đăng ký thế chấp QSDĐ;
- Đăng ký thế chấp tài sản gắn liền với đất;
- Đăng ký thế chấp QSDĐ đồng thời với tài sản gắn liền với đất;
- Đăng ký thế chấp tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai;
- Đăng ký thế chấp QSDĐ đồng thời với tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai;
- Đăng ký thay đổi nội dung thế chấp đã đăng ký;
- Đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản thế chấp trong trường hợp đã đăng ký thế chấp;
- Xóa đăng ký thế chấp.
Thông tư 07/2019/TT-BTP có hiệu lực từ ngày 10/01/2020 và thay thế Thông tư liên tịch 09/2016/TTLT-BTP-BTNMT ngày 23/6/2016.