1. Bổ sung cơ chế ủy thác xử lý tài sản thi hành án dân sự
Ngày 11/01/2022, Quốc hội thông qua Luật số 03/2022/QH15 sửa đổi Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.
Theo đó, tại khoản 1 Điều 9 Luật số 03/2022/QH15 đã bổ sung cơ chế ủy thác xử lý tài sản thi hành án dân sự, cụ thể:
Cơ quan thi hành án dân sự xử lý tài sản trên địa bàn, đồng thời có thể ủy thác xử lý tài sản cho cơ quan thi hành án dân sự nơi có tài sản được bản án, quyết định tuyên kê biên, phong tỏa hoặc xử lý tài sản để bảo đảm thi hành án mà tài sản ở nhiều địa phương khác nhau.
Đồng thời quy định các trường hợp cơ quan thi hành án dân sự phải ủy thác thi hành án như sau:
- Ủy thác thi hành án cho cơ quan thi hành án dân sự nơi người phải thi hành án có tài sản, làm việc, cư trú hoặc có trụ sở sau khi đã xử lý xong tài sản tạm giữ, thu giữ, tài sản kê biên trên địa bàn có liên quan đến khoản ủy thác, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này.
Trường hợp thi hành nghĩa vụ về tài sản thì ủy thác cho cơ quan thi hành án dân sự nơi người phải thi hành án có tài sản; trường hợp không xác định được nơi có tài sản thì ủy thác cho cơ quan thi hành án dân sự nơi người phải thi hành án làm việc, cư trú hoặc có trụ sở.
Trường hợp thi hành nghĩa vụ liên đới mà người phải thi hành án có tài sản, làm việc, cư trú hoặc có trụ sở ở các địa phương khác nhau thì ủy thác toàn bộ nghĩa vụ thi hành án cho cơ quan thi hành án dân sự thuộc một trong các địa phương nơi người phải thi hành án có điều kiện thi hành án;
- Ủy thác thi hành án đối với khoản phải thi hành án cụ thể có tài sản bảo đảm theo bản án, quyết định cho cơ quan thi hành án dân sự nơi có tài sản.
Luật số 03/2022/QH15 có hiệu lực từ ngày 01/03/2022.
2. Danh mục hàng hóa, dịch vụ không được giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8%
Ngày 28/01/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 15/2022/NĐ-CP quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, Nghị định 15/2022/NĐ-CP nêu rõ giảm thuế GTGT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% xuống còn 8%, trừ nhóm hàng hóa, dịch vụ sau:
- Viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại và sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất.
- Sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
- Công nghệ thông tin theo pháp luật về công nghệ thông tin.
Chi tiết xem tại Phụ lục I, II, III ban hành kèm theo Nghị định 15/2022.
Nghị định 15/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/02/2022.
3. Tăng mức phạt nhiều vi phạm về bảo vệ cây xanh, công viên
Ngày 28/01/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng.
Theo đó, tăng mức phạt nhiều hành vi vi phạm quy định về bảo vệ cây xanh, công viên, cụ thể:
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
+ Đổ chất độc hại, vật liệu xây dựng vào gốc cây xanh; đun nấu, đốt gốc, xây bục, bệ quanh gốc cây;
+ Trồng cây xanh trên hè, dải phân cách, đường phố, nút giao thông hoặc khu vực công cộng không đúng quy định;
+ Trồng các loại cây trong danh mục cây cấm trồng hoặc cây trong danh mục cây trồng hạn chế khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép;
(Trước đây các hành vi này bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng).
- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi tự ý chặt hạ, dịch chuyển, đào gốc cây xanh đô thị hoặc chặt rễ cây xanh khi chưa được cấp phép.
(Trước đây, hành vi này bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng).
Nghị định 16/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 28/01/2022 và thay thế Nghị định 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017, Nghị định 21/2020/NĐ-CP ngày 17/02/2020.
4. Các trường hợp được bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Ngày 28/12/2021, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH ban hành Thông tư 28/2021/TT-BLĐTBXH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về chế độ đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Theo đó, tại Điều 3 Thông tư 28/2021/TT-BLĐTBXH quy định các trường hợp được bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như sau:
- Người lao động bị tai nạn lao động làm suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên hoặc bị chết do tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của chính người lao động này gây ra; trừ các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 4 của Thông tư 28/2021/TT-BLĐTBXH .
- Người lao động bị bệnh nghề nghiệp làm suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên hoặc bị chết do bệnh nghề nghiệp khi đang làm việc cho người sử dụng lao động, hoặc trước khi nghỉ hưu, trước khi thôi việc, trước khi chuyển đến làm việc cho người sử dụng lao động khác (không bao gồm các trường hợp người lao động bị bệnh nghề nghiệp do làm các nghề, công việc cho người sử dụng lao động khác gây nên).
Thông tư 28/2021/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 01/3/2022 và thay thế Thông tư 04/2015/TT-BLĐTBXH ngày 02/02/2015, Thông tư 26/2017/TT-BLĐTBXH ngày 20/09/2017.