1. Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt thực hiện Hiệp định RCEP
Chính phủ ban hành Nghị định 129/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 về biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực giai đoạn 2022-2027.
Theo đó, ban hành kèm theo Nghị định 129/2022/NĐ-CP các Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực giai đoạn 2022 - 2027 (thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt áp dụng sau đây gọi là thuế suất RCEP), bao gồm:
Phụ lục A: Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt dành cho các nước ASEAN theo quy định tại khoản 2 Điều 4 và Điều 5 Nghị định 129/2022/NĐ-CP ;
Phụ lục B: Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt dành cho Ôt-xtrây-lia;
Phụ lục C: Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt dành cho Trung Quốc;
Phụ lục D: Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt dành cho Nhật Bản;
Phụ lục E: Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt dành cho Hàn Quốc;
Phụ lục F: Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt dành cho Niu Di-lân.
Nghị định 129/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 30/12/2022.
2. Nghiên cứu, rà soát ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện
Đây là một trong những nhiệm vụ giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đề cập tại Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 do Chính phủ ban hành.
Tiếp tục phấn đấu đạt mục tiêu nâng hạng các chỉ số về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh đến năm 2025 đã đề ra tại Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 10/01/2022 và các mục tiêu năm 2023 tại Phụ lục IV.
Nâng cao chất lượng cải cách danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh.
Nghiên cứu, rà soát ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; kiến nghị đưa ra khỏi danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đối với những ngành nghề có thể áp dụng các biện pháp quản lý khác hiệu quả hơn.
Tiếp tục rà soát, kiến nghị bãi bỏ các điều kiện kinh doanh quy định tại các luật chuyên ngành liên quan theo hướng bãi bỏ điều kiện kinh doanh không hợp pháp, không cần thiết, không khả thi, thiếu cụ thể, khó xác định, và không dựa trên cơ sở khoa học; rà soát các loại chứng chỉ hành nghề để thu gọn, tránh trùng lặp, tránh lãng phí chi phí của xã hội.
Thực hiện hợp nhất các văn bản quy phạm pháp luật và pháp điển quy phạm pháp luật để bảo đảm tính minh bạch, dễ tra cứu, dễ hiểu và dễ tiếp cận của hệ thống pháp luật.
Xem thêm tại Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 06/01/2023.
3. Điều kiện được hưởng bồi dưỡng bằng hiện vật cho NLĐ làm công việc nặng nhọc
Thông tư 24/2022/TT-BLĐTBXH quy định việc bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành ngày 30/11/2022.
Theo đó, người lao động được hưởng bồi dưỡng bằng hiện vật khi có đủ hai điều kiện sau:
- Làm các nghề, công việc thuộc danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành.
- Đang làm việc trong môi trường lao động có ít nhất 01 trong 02 yếu tố sau đây:
+ Có ít nhất một trong các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại không bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn vệ sinh cho phép theo quy định của Bộ Y tế.
+ Tiếp xúc với ít nhất 01 yếu tố được xếp từ 4 điểm trở lên thuộc nhóm chỉ tiêu “Tiếp xúc các nguồn gây bệnh truyền nhiễm theo Luật phòng, chống các bệnh truyền nhiễm” (số thứ tự 10.1 Mục A, Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 29/2021/TT-BLĐTBXH ). (Nội dung mới)
Việc xác định các yếu tố nêu trên phải được thực hiện bởi tổ chức đủ điều kiện hoạt động quan trắc môi trường lao động theo quy định của pháp luật.
Thông tư 24/2022/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 01/3/2023 và thay thế Thông tư 25/2013/TT-BLĐTBXH .
4. Nguyên tắc thể hiện nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa bằng phương thức điện tử
Thông tư 18/2022/TT-BKHCN hướng dẫn nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa của một số nhóm hàng hóa bằng phương thức điện tử do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành ngày 30/12/2022.
- Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa được lựa chọn ghi nhãn hàng hóa bằng phương thức điện tử hoặc lựa chọn ghi trên nhãn hàng hóa gắn trực tiếp trên hàng hóa hoặc bao bì thương phẩm của hàng hóa hoặc ghi trong tài liệu kèm theo của hàng hóa theo quy định tại Nghị định 43/2017/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 111/2021/NĐ-CP .
Nhóm hàng hóa và nội dung thể hiện bằng phương thức điện tử thực hiện theo quy định tại Phụ lục “Một số nội dung theo tính chất của hàng hóa được thể hiện bằng phương thức điện tử” ban hành kèm theo Thông tư 18/2022/TT-BKHCN .
- Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa khi thể hiện nội dung ghi nhãn theo phương thức điện tử quy định tại Thông tư 18/2022/TT-BKHCN bảo đảm các yêu cầu sau:
+ Phương thức điện tử được thể hiện rõ đường dẫn trên nhãn hàng hóa, ví dụ: mã số mã vạch, mã QR code, trên màn hình điện tử của sản phẩm có màn hình hoặc các phương thức điện tử thông dụng khác;
+ Bảo đảm phương tiện, thiết bị và/hoặc hướng dẫn khách hàng truy cập nội dung quy định bằng phương thức điện tử của nhãn hàng hóa tại chỗ;
+ Nội dung thể hiện bằng phương thức điện tử phải tương ứng với nội dung thể hiện trên nhãn trực tiếp, không làm người đọc, xem, nghe hiểu sai lệch bản chất của hàng hóa.
Thông tư 18/2022/TT-BKHCN có hiệu lực từ ngày 15/02/2023.