1. Bãi bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đối với viên chức ngành KH&CN
Ngày 11/10/2022, Bộ trưởng Bộ KH&CN ban hành Thông tư 14/2022/TT-BKHCN sửa đổi Thông tư liên tịch 24/2004/TTLT-BKHCN-BNV về mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức ngành khoa học và công nghệ (KH&CN) đã được sửa theo Thông tư 01/2020/TT-BKHCN .
Theo đó, so với Thông tư liên tịch 24/2004/TTLT-BKHCN-BNV , tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng của viên chức ngành KH&CN không còn yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đối với các chức danh nghề nghiệp sau đây:
- Nghiên cứu viên cao cấp (hạng I), Mã số: V.05.01.01
- Nghiên cứu viên chính (hạng II), Mã số: V.05.01.02
- Nghiên cứu viên (hạng III), Mã số: V.05.01.03
- Trợ lý nghiên cứu (hạng IV), Mã số: V.05.01.04
- Nghiên cứu viên chính (hạng II), Mã số: V.05.01.02
- Kỹ sư cao cấp (hạng I), Mã số: V.05.02.05
- Kỹ sư chính (hạng II), Mã số: V.05.02.06
- Kỹ sư (hạng III), Mã số: V.05.02.07
- Kỹ thuật viên (hạng IV), Mã số: V.05.02.08.
Thay vào đó, viên chức ngành KH&CN chỉ cần có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản và sử dụng được ngoại ngữ hoặc sử dụng được tiếng dân tộc thiểu số đối với viên chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số theo yêu cầu của vị trí việc làm.
Thông tư 14/2022/TT-BKHCN có hiệu lực từ ngày 12/12/2022.
2. Tiêu chí phân loại ĐVSN công lập ngành công thương
Thông tư 16/2022/TT-BCT quy định về tiêu chí phân loại, điều kiện thành lập, sáp nhập, hợp nhất, giải thể các đơn vị sự nghiệp (ĐVSN) công lập thuộc ngành, lĩnh vực công thương do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành ngày 10/10/2022.
Trong đó, ĐVSN công lập thuộc ngành, lĩnh vực công thương được phân loại theo các tiêu chí như sau:
* Phân loại theo mức độ tự chủ tài chính
- ĐVSN công tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư;
- ĐVSN công tự bảo đảm chi thường xuyên;
- ĐVSN công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên;
- ĐVSN công lập do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.
* Phân loại theo chức năng, nhiệm vụ
(i) ĐVSN công lập phục vụ quản lý nhà nước
- ĐVSN công lập thực hiện chức năng nghiên cứu phục vụ hoạch định chiến lược và xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về ngành, lĩnh vực công thương;
- ĐVSN công lập thực hiện chức năng tuyên truyền chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thông tin về ngành, lĩnh vực công thương;
- ĐVSN công lập thực hiện chức năng đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức, người lao động ngành công thương;
- ĐVSN công lập thực hiện các chức năng khác phục vụ quản lý nhà nước thuộc ngành, lĩnh vực công thương.
(ii) ĐVSN công lập cung cấp dịch vụ sự nghiệp công
- ĐVSN công lập trong lĩnh vực kiểm định, giám định, chứng nhận, thử nghiệm, tư vấn và hỗ trợ an toàn công nghiệp;
- ĐVSN công lập trong lĩnh vực môi trường và sản xuất sạch hơn
- ĐVSN công lập trong lĩnh vực hóa chất, quản lý hóa chất và ứng phó sự cố và an toàn hóa chất;
- ĐVSN công lập trong lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng bền vững;
- ĐVSN công lập trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả;
- ĐVSN công lập trong lĩnh vực hỗ trợ điện lực và phát triển thị trường điện;
- ĐVSN công lập trong lĩnh vực quản lý dự án năng lượng và năng lượng tái tạo, quản lý vận hành hệ thống thông tin năng lượng;
- ĐVSN công lập trong lĩnh vực hỗ trợ phát triển công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ;
- ĐVSN công lập trong lĩnh vực quản lý cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp;
- ĐVSN công lập trong lĩnh vực phòng vệ thương mại;
- ĐVSN công lập trong lĩnh vực xuất nhập khẩu;
- ĐVSN công lập trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư phát triển ngành công thương;
- ĐVSN công lập trong lĩnh vực thương mại điện tử và công nghệ số;
- ĐVSN công lập trong lĩnh vực khuyến công;
- ĐVSN công lập trong lĩnh vực thông tin truyền thông ngành công thương;
- ĐVSN công lập trong lĩnh vực y tế, môi trường công nghiệp;
- ĐVSN công lập cung cấp dịch vụ công khác thuộc lĩnh vực công thương.
(iii) ĐVSN công lập phục vụ quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ sự nghiệp công
Đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện ít nhất một chức năng, nhiệm vụ quy định tại (i) và một chức năng quy định ở mục (ii).
Việc xác định loại hình đơn vị sự nghiệp công lập trong ngành, lĩnh vực công thương tại khoản này căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của đơn vị sự nghiệp công lập được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Thông tư 16/2022/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 28/11/2022.
3. Có thể nộp trực tuyến hồ sơ cấp lại Giấy chứng nhận GMP
Ngày 13/10/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 80/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 35/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thú y.
Theo đó, trong trường hợp Giấy chứng nhận GMP bị mất, sai sót, hư hỏng, thay đổi thông tin có liên quan đến tổ chức đăng ký, thì cá nhân, tổ chức có thể thực hiện gửi hồ sơ bằng hình thức trực tiếp, bưu điện hoặc trực tuyến.
Cụ thể, 01 bộ hồ sơ cấp lại Giấy chứng nhận GMP bao gồm:
- Bản chính đơn đăng ký cấp lại và bản chính hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao có đóng dấu xác nhận của Doanh nghiệp;
(Bổ sung thêm so với Nghị định 35/2016/NĐ-CP )
- Tài liệu chứng minh nội dung thay đổi trong trường hợp thay đổi thông tin có liên quan đến tổ chức đăng ký;
- Giấy chứng nhận GMP đã được cấp, trừ trường hợp bị mất.
Trường hợp hồ sơ không đầy đủ và hợp lệ, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Cục Thú y có văn bản hướng dẫn tổ chức, cá nhân hoàn thiện hồ sơ;
(Bổ sung thời gian phản hồi so với Nghị định 35/2016/NĐ-CP nếu hồ sơ không đầy đủ và hợp lệ)
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục Thú y cấp lại Giấy chứng nhận GMP hoặc có văn bản trả lời và nêu rõ lý do trong trường hợp không cấp.
Như vậy, ngoài hình thức trực tiếp, qua bưu điện thì cá nhân, tổ chức có thể gửi hồ sơ cấp lại Giấy chứng nhận GMP trực tuyến.
**GMP: Thực hành tốt sản xuất thuốc (viết tắt của từ Good Manufacturing Practice) là những nguyên tắc, quy định, hướng dẫn về Điều kiện sản xuất thuốc nhằm bảo đảm sản phẩm thuốc đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Nghị định 80/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 13/10/2022.
4. Bổ sung hình thức đăng ký vận tải hành khách cố định trên tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo
Thông tư 24/2022/TT-BGTVT sửa đổi Thông tư quy định về quản lý tuyến vận tải từ bờ ra đảo trong vùng biển Việt Nam do Bộ trưởng Bộ GTVT ban hành ngày 13/10/2022.
Theo đó, so với Thông tư 16/2013/TT-BGTVT , ngoài hình thức nộp trực tiếp hoặc qua bưu chính, thì tổ chức, cá nhân có thể gửi trực tuyến hồ sơ đăng ký vận tải hành khách cố định từ bờ ra đảo qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến.
Cụ thể, hồ sơ đăng ký vận tải hành khách cố định từ bờ ra đảo bao gồm:
- Bản đăng ký hoạt động vận tải hành khách theo quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 24/2022/TT-BGTVT ;
(Hiện hành thực hiện theo Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 16/2013/TT-BGTVT ).
- Ý kiến thống nhất bằng văn bản hoặc hợp đồng với tổ chức quản lý cảng, bến cho phương tiện vào đón, trả hành khách;
- Các bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu hoặc bản sao điện tử có giá trị pháp lý do cơ quan có thẩm quyền cấp, bao gồm:
+ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư, trong đó có nội dung ngành nghề vận tải hành khách đường thủy;
+ Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện;
+ Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện còn hiệu lực và phù hợp với tuyến hoạt động.
(So với hiện hành, cho phép thay bản sao in giấy bằng bản sao điện tử)
Thông tư 24/2022/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 15/12/2022.