1. Điểm mới trong xác định số lợi bất chính do VPHC về thương mại
Nội dung đề cập tại Thông tư 65/2022/TT-BTC hướng dẫn Khoản 2, Điều 91 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành ngày 02/11/2022.
Theo đó, số lợi bất hợp pháp có được bằng tiền là toàn bộ số tiền tổ chức, cá nhân thu được từ hành vi VPHC và được tính bằng số tiền thu được từ việc chuyển nhượng, tiêu thụ hàng hóa, cung cấp dịch vụ vi phạm sau khi đã trừ chi phí trực tiếp cấu thành hàng hóa, dịch vụ.
Căn cứ để xác định số tiền tổ chức, cá nhân vi phạm có được do thực hiện hành vi VPHC bằng (=) số lượng hàng hóa, khối lượng dịch vụ đã chuyển nhượng, tiêu thụ nhân (x) với đơn giá hàng hóa, dịch vụ trừ (-) chi phí trực tiếp cấu thành hàng hóa hoặc dịch vụ.
Lưu ý: Chi phí trực tiếp cấu thành hàng hóa hoặc dịch vụ được trừ khi tổ chức, cá nhân vi phạm có đầy đủ hồ sơ, chứng từ để chứng minh tính hợp pháp, hợp lệ của các chi phí đó.
(So với hiện hành, thì Thông tư 65/2022/TT-BTC đã bổ sung “chi phí trực tiếp cấu thành hàng hóa hoặc dịch vụ” được trừ khi tính số tiền vi phạm).
Xem chi tiết tại Thông tư 65/2022/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/01/2023 và thay thế Thông tư 149/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014.
2. Đồng ý bổ sung thông tin “nơi sinh” vào hộ chiếu cấp cho công dân Việt Nam
Tại Nghị quyết 76/2022/QH15 về Kỳ họp thứ 4, khóa XV, Quốc hội đã đồng ý bổ sung thông tin “nơi sinh” vào hộ chiếu cấp cho công dân Việt Nam.
Đồng thời, Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền để triển khai thực hiện; khẩn trương nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét, quyết định việc sửa đổi khoản 3 Điều 6 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Bên cạnh đó, kể từ ngày Nghị quyết này được Quốc hội thông qua (15/11/2022), áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật:
- 05 năm đối với hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức đến mức phải xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách;
- 10 năm đối với hành vi vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo trở lên.
Các trường hợp không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật được thực hiện theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.
Giao Chính phủ hướng dẫn quy định về thời hiệu xử lý kỷ luật bảo đảm thực hiện đồng bộ, thống nhất; khẩn trương nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét, quyết định việc sửa đổi Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, bảo đảm đồng bộ với quy định của Đảng.
Xem thêm tại Nghị quyết 76/2022/QH15 thông qua ngày 15/11/2022.
3. Mẫu C/O RCEP xuất khẩu mới áp dụng từ ngày 01/01/2023
Ngày 18/11/2022, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư 32/2022/TT-BCT sửa đổi Thông tư 05/2022/TT-BCT về Quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Theo đó, thay thế phụ lục III về Mẫu C/O mẫu RCEP xuất khẩu và mẫu Tờ khai bổ sung C/O tại điểm c khoản 1 Điều 4 Thông tư 05/2022/TT-BCT bằng phụ lục II kèm theo Thông tư 32/2022/TT-BCT .
Mẫu C/O mẫu RCEP xuất khẩu và mẫu Tờ khai bổ sung C/O mới này được áp dụng từ ngày 01/01/2023.
Bên cạnh đó, còn thay thế phụ lục I về Quy tắc cụ thể tại điểm a khoản 1 Điều 4 Thông tư 05/2022/TT-BCT bằng phụ lục I kèm theo Thông tư 32/2022/TT-BCT .
Thông tư 32/2022/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 01/01/2023.
4. Hướng dẫn phối hợp kiểm soát tài sản, thu nhập cán bộ
Đây là nội dung tại Hướng dẫn 03-HD/UBKTTW ngày 03/11/2022 thực hiện Quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập do Ủy ban Kiểm tra Trương ương ban hành.
Theo đó, hướng dẫn việc tiếp nhận, quản lý, khai thác, xác minh, kiểm tra, giám sát, cung cấp thông tin và báo cáo về kiểm soát tài sản, thu nhập đối với cán bộ, đảng viên của cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập.
Trong đó, tài sản, thu nhập phải kiểm soát bao gồm:
- Tài sản, thu nhập và biến động về tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên thuộc đối tượng có nghĩa vụ kê khai quy định tại khoản 1, khoản 6, khoản 8, Điều 3, Quy chế (theo Quyết định 56-QĐ/TW ngày 08/02/2022).
- Tài sản, thu nhập và biến động về tài sản, thu nhập của vợ hoặc chồng, con chưa thành niên của đối tượng có nghĩa vụ kê khai.
Kiểm soát tài sản, thu nhập là hoạt động do Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập thực hiện theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước để kết luận về tính trung thực, đầy đủ, rõ ràng đối với tài sản, thu nhập, biến động về tài sản, thu nhập, nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm của đối tượng có nghĩa vụ kê khai.
Xác minh tài sản, thu nhập là việc Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập kiểm tra, làm rõ nội dung kê khai về tính trung thực, đầy đủ, rõ ràng của bản kê khai và tính trung thực trong việc giải trình về nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm của đối tượng có nghĩa vụ kê khai.
Xem thêm tại Hướng dẫn 03-HD/UBKTTW ngày 03/11/2022.