1. Bãi bỏ một số văn bản QPPL lĩnh vực BHXH
Thông tư 18/2022/TT-BLĐTBXH bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành, liên tịch ban hành 30/9/2022.
Trong đó, bãi bỏ một số văn bản QPPL lĩnh vực BHXH gồm:
- Thông tư 58/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 quy định mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội.
- Thông tư 23/2016/TT-BLĐTBXH ngày 15/7/2016 hướng dẫn điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng theo Nghị định 55/2016/NĐ-CP ngày 15/06/2016.
- Thông tư 42/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28/12/2016 quy định mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội.
- Thông tư 18/2017/TT-BLĐTBXH ngày 30/6/2017 hướng dẫn điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng quy định tại các khoản 1, 2, 3 và khoản 8 điều 1 Nghị định 76/2017/NĐ-CP ngày 30/6/2017.
- Thông tư 32/2017/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2017 quy định mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội.
- Thông tư 35/2018/TT-BLĐTBXH ngày 26/12/2018 quy định mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội.
2. Sửa đổi chính sách quản lý dịch vụ phát thanh, truyền hình
Ngày 01/10/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 71/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 06/2016/NĐ-CP về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình.
Trong đó, sửa đổi chính sách quản lý dịch vụ phát thanh, truyền hình như sau:
- Phát triển dịch vụ phát thanh, truyền hình quảng bá trên toàn quốc bằng công nghệ hiện đại để mọi người dân dễ dàng tiếp cận các chương trình, kênh chương trình trong nước;
Triển khai phủ sóng truyền hình qua vệ tinh theo phương thức quảng bá tại các địa bàn khó khăn không có sóng truyền hình mặt đất để mọi người dân thu, xem được các kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của quốc gia và của địa phương.
(So với hiện hành, bổ sung nội dung triển khai phủ sóng truyền hình qua vệ tinh theo phương thức quảng bá tại các địa bàn khó khăn không có sóng truyền hình mặt đất để mọi người dân thu, xem được các kênh chương trình).
- Quản lý việc cung cấp nội dung thông tin trên dịch vụ phát thanh, truyền hình theo quy định của pháp luật về báo chí, điện ảnh; quản lý hạ tầng kỹ thuật truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình theo quy định của pháp luật về viễn thông.
Quản lý hoạt động cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình tại Việt Nam, bao gồm cả dịch vụ phát thanh, truyền hình trên mạng Internet cung cấp xuyên biên giới tới người sử dụng trên lãnh thổ Việt Nam theo quy định tại Nghị định này và quy định của pháp luật liên quan. (Nội dung chi tiết hơn so với hiện hành)
- Kiểm tra, đánh giá hiệu quả nội dung thông tin, chất lượng dịch vụ phát thanh, truyền hình bằng việc ứng dụng công nghệ số, thực hiện lưu chiểu, đo lường khán thính giả, điều tra xã hội học, đo kiểm kỹ thuật.
(Hiện hành, tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá hiệu quả nội dung thông tin, chất lượng dịch vụ phát thanh, truyền hình bằng các biện pháp kỹ thuật và các phương pháp thống kê, điều tra xã hội học hiện đại)
Nghị định 71/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2023.
3. Bổ sung hạng chức danh nghề nghiệp Trợ giúp viên pháp lý
Ngày 05/9/2022, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Thông tư 05/2022/TT-BTP mã số, tiêu chuẩn và xếp lương đối với viên chức trợ giúp viên pháp lý.
Theo đó, bổ sung chức danh nghề nghiệp Trợ giúp viên pháp lý hạng I.
Trong đó, Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của Trợ giúp viên pháp lý hạng I bao gồm:
- Nắm vững và có năng lực vận dụng các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong công tác trợ giúp pháp lý;
- Có kiến thức, hiểu biết về hệ thống pháp luật và chuyên sâu về nhiều lĩnh vực pháp luật được phân công;
- Thực hiện thành thạo các nghiệp vụ trợ giúp pháp lý; chủ trì triển khai có hiệu quả các hoạt động trợ giúp pháp lý;
- Được Cục Trợ giúp pháp lý xác nhận đã thực hiện ít nhất 02 vụ việc tham gia tố tụng thành công tại Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án quân sự Trung ương trở lên;
- Có năng lực hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng trợ giúp pháp lý cho trợ giúp viên pháp lý hạng II, trợ giúp viên pháp lý hạng III và người thực hiện trợ giúp pháp lý khác; đã chủ trì thẩm định chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý hoặc đánh giá hiệu quả ít nhất 20 vụ việc tham gia tố tụng của trợ giúp viên pháp lý hạng II trở lên hoặc ít nhất 20 vụ việc tham gia tố tụng do cơ quan tổ tụng cấp tỉnh trở lên giải quyết.
- Có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản, sử dụng được ngoại ngữ hoặc sử dụng được tiếng dân tộc thiểu số đối với viên chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số theo yêu cầu vị trí việc làm;
- Viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng lên chức danh trợ giúp viên pháp lý hạng I phải có thời gian giữ chức danh trợ giúp viên pháp lý hạng II hoặc tương đương từ đủ 06 năm cộng dồn (72 tháng) trở lên, trong đó thời gian giữ chức danh trợ giúp viên pháp lý hạng II tối thiểu đủ 01 năm cộng dồn (12 tháng), tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.
Thông tư 05/2022/TT-BTP có hiệu lực từ ngày 20/10/2022 và thay thế Thông tư liên tịch 08/2016/TTLT-BTP-BNV .
4. Sửa đổi nội dung về quyền của bên bảo lãnh ngân hàng
Thông tư 11/2022/TT-NHNN quy định về bảo lãnh ngân hàng do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành ngày 30/9/2022.
Trong đó, sửa đổi nội dung về quyền của bên bảo lãnh ngân hàng như sau:
- Từ chối thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh khi hồ sơ yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh không hợp lệ hoặc có bằng chứng chứng minh chứng từ, tài liệu xuất trình là giả mạo.
(Hiện hành, quy định từ chối thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh khi cam kết bảo lãnh hết hiệu lực hoặc hồ sơ yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh không đáp ứng đủ các điều kiện quy định trong cam kết bảo lãnh, hoặc có bằng chứng chứng minh chứng từ xuất trình là giả mạo).
- Hạch toán ghi nợ đối với số tiền trả thay cho bên được bảo lãnh (trong trường hợp bảo lãnh ngân hàng) ngay khi thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh theo quy định của Ngân hàng Nhà nước;
Hoặc bên bảo lãnh đối ứng (trong trường hợp bảo lãnh trên cơ sở bảo lãnh đối ứng) ngay khi bên bảo lãnh đối ứng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ đã cam kết;
Yêu cầu bên được bảo lãnh hoặc bên bảo lãnh đối ứng hoàn trả số tiền mà bên bảo lãnh đã trả thay theo cam kết.
(Quy định chi tiết hơn so với hiện hành)
- Yêu cầu thành viên đồng bảo lãnh khác hoàn trả số tiền đã trả thay cho bên được bảo lãnh tương ứng theo tỷ lệ tham gia đồng bảo lãnh mà các bên đã thỏa thuận trong trường hợp thành viên làm đầu mối thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh trong đồng bảo lãnh.
(So với hiện hành, bổ sung cụm từ "tương ứng theo tỷ lệ tham gia đồng bảo lãnh mà các bên đã thỏa thuận")