1. Cho phép thay đổi xác định giá các gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế
Chính phủ ban hành Nghị quyết 30/NQ-CP ngày 04/3/2023 về tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế.
Theo đó, chủ đầu tư xác định giá gói thầu căn cứ ít nhất một trong các tài liệu sau đây:
- Giá thị trường được tham khảo từ báo giá của nhà cung cấp theo các hình thức sau:
+ Chủ đầu tư gửi thông báo mời chào giá với yêu cầu kỹ thuật lên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Y tế hoặc cổng dịch vụ công trực tuyến về quản lý trang thiết bị y tế (https://dmec.moh.gov.vn)
Hoặc trang thông tin điện tử của đơn vị hoặc các hình thức khác theo quy định của pháp luật về đấu thầu trong thời gian tối thiểu 10 ngày.
Hết thời gian thông báo mời chào giá, chủ đầu tư căn cứ số báo giá nhận được để làm cơ sở xây dựng giá gói thầu.
Trường hợp chỉ có 1 hoặc 2 nhà phân phối hoặc doanh nghiệp cung cấp báo giá thì được sử dụng các báo giá đã nhận để làm cơ sở xây dựng giá gói thầu.
+ Chủ đầu tư cũng được phép lấy báo giá trực tiếp từ nhà phân phối trong trường hợp chỉ có một nhà phân phối hoặc để bảo đảm tính tương thích về công nghệ, bản quyền mà không thể mua được từ nhà phân phối khác.
- Giá trúng thầu của gói mua sắm trang thiết bị y tế tương tự trong thời gian trước đó gần nhất, tối đa không quá 120 ngày.
Nghị quyết 30/NQ-CP có hiệu lực kể từ ngày ký.
2. Doanh nghiệp được phép thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu
Đây là nội dung được đề cập tại Nghị định 08/2023/NĐ-CP ngày 05/3/2023 sửa đổi và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
Cụ thể, việc thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu phải đảm bảo các nguyên tắc sau:
- Tuân thủ quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP .
- Trường hợp kéo dài kỳ hạn của trái phiếu thì thời gian tối đa không quá 02 năm so với kỳ hạn tại phương án phát hành trái phiếu đã công bố cho nhà đầu tư.
(Hiện hành tại Nghị định 65/2022/NĐ-CP thì doanh nghiệp không được thay đổi kỳ hạn của trái phiếu đã phát hành.
- Đối với người sở hữu trái phiếu không chấp thuận thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu thì doanh nghiệp phát hành có trách nhiệm đàm phán để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư.
Trường hợp có người sở hữu trái phiếu không chấp thuận phương án đàm phán thì doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với người sở hữu trái phiếu theo phương án phát hành trái phiếu đã công bố cho nhà đầu tư
(Kể cả trường hợp việc thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu đã được người sở hữu trái phiếu đại diện từ 65% tổng số trái phiếu trở lên chấp thuận).
Nghị định 08/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày ký ban hành.
3. Các hình thức lựa chọn nhà đầu tư công trình dịch vụ giao thông đường bộ
Bộ trưởng Bộ GTVT ban hành Thông tư 01/2023/TT-BGTVT ngày 07/3/2023 hướng dẫn về lập, phê duyệt và công bố danh mục dự án; phương pháp và tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu lựa chọn nhà đầu tư công trình dịch vụ chuyên ngành giao thông đường độ.
Theo đó, việc lựa chọn nhà đầu tư công trình dịch vụ giao thông đường bộ được thực hiện thông qua các hình thức sau đây:
- Các công trình dịch vụ chuyên ngành giao thông đường bộ áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế khi đáp ứng quy định tại Điều 15 Luật Đấu thầu.
- Các công trình dịch vụ chuyên ngành giao thông đường bộ áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước trong trường hợp:
+ Dự án thuộc ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật về đầu tư.
+ Dự án có từ hai nhà đầu tư trở lên đáp ứng yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm, trong đó không có nhà đầu tư nước ngoài tham gia đăng ký thực hiện dự án hoặc đáp ứng yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 10 Thông tư 01/2023/TT-BGTVT ;
+ Dự án có yêu cầu về bảo đảm quốc phòng, an ninh do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của Cơ quan có thẩm quyền và ý kiến thống nhất của Bộ Quốc phòng đối với yêu cầu bảo đảm quốc phòng hoặc ý kiến thống nhất của Bộ Công an đối với yêu cầu bảo đảm an ninh.
Thông tư 01/2023/TT-BGTVT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/5/2023.
4. Điều chỉnh thời gian chốt số liệu báo cáo định kỳ hoạt động phòng, chống HIV/AIDS
Thông tư 05/2023/TT-BYT ngày 10/3/2023 quy định về chế độ báo cáo định kỳ hoạt động phòng, chống HIV/AIDS do Bộ Y tế ban hành.
Cụ thể, thời gian chốt số liệu báo cáo định kỳ hoạt động phòng, chống HIV/AIDS được quy định như sau:
- Báo cáo định kỳ hàng quý: tính từ ngày 15 của tháng trước kỳ báo cáo đến ngày 14 của tháng cuối quý của kỳ báo cáo.
(Hiện hành tại Thông tư 03/2015/TT-BYT , thời gian thống kê số liệu báo cáo định kỳ hàng quý được như sau:
- Số liệu báo cáo của Quý I được tính từ ngày 01/01 đến hết ngày 31/3 hằng năm;
- Số liệu báo cáo của Quý II được tính từ ngày 01/4 đến hết ngày 30/6 hằng năm;
- Số liệu báo cáo của Quý III được tính từ ngày 01/7 đến hết ngày 30/9 hằng năm;
- Số liệu báo cáo của Quý IV được tính từ ngày 01/10 đến hết ngày 31/12 hằng năm;)
- Báo cáo định kỳ hằng năm: tính từ ngày 15 tháng 12 năm trước kỳ báo cáo đến ngày 14 tháng 12 của năm báo cáo.
(Tại Thông tư 03/2015/TT-BYT , thời gian thống kế số liệu báo cáo năm tính từ ngày 01/01 đến hết ngày 31/12 hằng năm.)
Thông tư 05/2023/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 01/5/2023.