Ngày 21/4/2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư 09/2023/TT-BCT sửa đổi Thông tư 16/2014/TT-BCT quy định về thực hiện giá bán điện và Thông tư 25/2018/TT-BCT .
Trong đó, có sửa đổi quy định về giá bán lẻ điện sinh hoạt với người thuê nhà tại điểm a và điểm c khoản 4 Điều 10 Thông tư 16/2014/TT-BCT (đã được sửa đổi tại Thông tư 25/2018/TT-BCT ) như sau:
“Tại mỗi địa chỉ nhà cho thuê, bên bán điện chỉ ký một hợp đồng mua bán điện duy nhất. Chủ nhà cho thuê có trách nhiệm cung cấp Thông tin về cư trú tại địa điểm sử dụng điện của người thuê nhà.”
(Hiện hành, tại điểm a khoản 4 Điều 10 Thông tư 16/2014/TT-BCT quy định tại mỗi địa chỉ nhà cho thuê, bên bán điện chỉ ký một hợp đồng mua bán điện duy nhất.
Chủ nhà cho thuê có trách nhiệm xuất trình sổ tạm trú hoặc chứng từ xác nhận tạm trú của cơ quan Công an quản lý địa bàn của người thuê nhà).
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn.
Cụ thể, tại Điều 5 Thông tư 02/2023/TT-NHNN quy định tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được xem xét quyết định cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ gốc và/hoặc lãi của khoản nợ (bao gồm cả các khoản nợ thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 55/2015/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung)) trên cơ sở đề nghị của khách hàng, khả năng tài chính của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và đáp ứng các quy định sau đây:
- Dư nợ gốc phát sinh trước ngày 24/4/2023 và từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính.
- Phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 24/4/2023 đến hết ngày 30/6/2024.
- Số dư nợ của khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ còn trong hạn hoặc quả hạn đến 10 (mười) ngày kể từ ngày đến hạn thanh toán, thời hạn trả nợ theo hợp đồng, thỏa thuận.
- Được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đánh giá khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận do doanh thu, thu nhập sụt giảm so với doanh thu, thu nhập tại phương án trả nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận.
- Khách hàng được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đánh giá có khả năng trả nợ đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại.
- Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khoản nợ vi phạm quy định pháp luật.
- Thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ (kể cả trường hợp gia hạn nợ) được xác định phù hợp với mức độ khó khăn của khách hàng và không vượt quá 12 tháng kể từ ngày đến hạn của số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
- Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng theo quy định tại Thông tư 02/2023/TT-NHNN được thực hiện kể từ ngày 24/4/2023 có hiệu lực đến hết ngày 30/6/2024.
Như vậy, nếu đáp ứng các điều kiện vừa nêu thì ngân hàng được xem xét quyết định cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng gặp khó khăn kể từ ngày 24/4/2023 đến hết ngày 30/6/2024.
* Lưu ý: Tổ chức tín dụng nêu trên không bao gồm ngân hàng chính sách xã hội.
Ngày 23/4/2023, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư 03/2023/TT-NHNN quy định ngưng hiệu lực thi hành khoản 11 Điều 4 Thông tư 16/2021/TT-NHNN ngày 10/11/2021 quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp.
Thời gian ngưng hiệu lực là từ ngày 24/4/2023 đến hết ngày 31/12/2023.
Trong thời gian ngưng hiệu lực thi hành khoản 11 Điều 4 Thông tư 16/2021/TT-NHNN thì tổ chức tín dụng được mua lại trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom (sau đây gọi là trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết) mà tổ chức tín dụng đã bán
Và/hoặc trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết được phát hành cùng lô/cùng đợt phát hành với trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết mà tổ chức tín dụng đã bán khi:
+ Đáp ứng các quy định về nguyên tắc mua, bán trái phiếu doanh nghiệp tại Điều 4 Thông tư 16/2021/TT-NHNN ;
+ Bên mua trái phiếu doanh nghiệp này từ tổ chức tín dụng thanh toán toàn bộ số tiền mua trái phiếu doanh nghiệp tại thời điểm tổ chức tín dụng ký kết hợp đồng bán trái phiếu doanh nghiệp cho bên mua trái phiếu;
+ Doanh nghiệp phát hành trái phiếu được xếp hạng ở mức cao nhất theo quy định xếp hạng tín dụng nội bộ của tổ chức tín dụng tại thời điểm gần nhất trước khi tổ chức tín dụng mua trái phiếu doanh nghiệp.
Thông tư 03/2023/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 24/4/2023.
Ngày 21/4/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết 58/NQ-CP về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025.
Trong đó đã đưa ra hàng loạt chính sách hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, nguồn lực hỗ trợ của nhà nước, cụ thể như sau:
- Tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất
- Hỗ trợ giảm chi phí nguyên liệu, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp
- Tháo gỡ khó khăn về quản lý chi phí, định mức xây dựng cho doanh nghiệp
- Nghiên cứu đề xuất sửa đổi cơ cấu biểu giá bán lẻ điện
- Tập trung vốn tín dụng phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp
- Xây dựng phương án giảm tiền sử dụng nước cho các doanh nghiệp trên địa bàn
Xem thêm tại Nghị quyết 58/NQ-CP ngày 21/4/2023.