Đây là nội dung tại Thông tư 02/2023/TT-BTNMT ngày 15/5/2023 sửa đổi Thông tư 23/2014/TT-BTNMT quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và sửa đổi Thông tư 24/2014/TT-BTNMT quy định về hồ sơ địa chính do Bộ trưởng Bộ TNMT ban hành.
Cụ thể, Thông tư 02/2023/TT-BTNMT đã sửa đổi khoản 3 Điều 17 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT (sửa đổi tại Thông tư 33/2017/TT-BTNMT ) về xác nhận thay đổi vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ đỏ) khi đăng ký biến động đất đai như sau:
- Việc cấp Giấy chứng nhận đối với các trường hợp quy định tại các điểm a, b, e, g, h, l, m và r khoản 1 và các điểm a, c, d, đ, e, g, h và i khoản 2 Điều 17 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT được thực hiện theo quy định tại Điều 37 Nghị định 43/2014/NĐ-CP (sửa đổi tại khoản 5 Điều 1 Nghị định 10/2023/NĐ-CP ).
- Đối với trường hợp quy định tại điểm n khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều 17 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT thì cơ quan tài nguyên và môi trường có trách nhiệm thực hiện thủ tục quy định tại khoản 2 Điều 69 Nghị định 43/2014/NĐ-CP ;
Sau đó chuyển hồ sơ cho cơ quan quy định tại Điều 37 Nghị định 43/2014/NĐ-CP (sửa đổi tại khoản 5 Điều 1 Nghị định 10/2023/NĐ-CP ) để thực hiện việc cấp Giấy chứng nhận.
(Trước đây tại khoản 3 Điều 17 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT (sửa đổi tại Thông tư 33/2017/TT-BTNMT ) quy định về xác nhận thay đổi vào sổ đỏ khi đăng ký biến động đất đai như sau:
- Việc cấp Giấy chứng nhận đối với các trường hợp quy định tại các điểm a, b, e, g, h, l, m và r khoản 1 và các điểm a, c, d, đ, e, g, h và i khoản 2 Điều 17 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT được thực hiện theo quy định tại Điều 37 Nghị định 43/2014/NĐ-CP và khoản 23 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP .
- Đối với trường hợp quy định tại điểm n khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều 17 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT thì cơ quan tài nguyên và môi trường có trách nhiệm thực hiện thủ tục quy định tại khoản 2 Điều 69 Nghị định 43/2014/NĐ-CP và chuyển hồ sơ cho Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai để viết Giấy chứng nhận;
Trình Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, cấp Giấy chứng nhận.)
Xem thêm Thông tư 02/2023/TT-BTNMT có hiệu lực từ 20/5/2023.
Bổ sung các công việc phải thực hiện khi tạm dừng khai thác đường cao tốc là nội dung tại Nghị định 25/2023/NĐ-CP ngày 19/5/2023 sửa đổi Nghị định 32/2014/NĐ-CP về quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường cao tốc.
Theo đó, tại Nghị định 25/2023/NĐ-CP đã bổ sung các công việc phải thực hiện khi tạm dừng khai thác đường cao tốc vào Điều 11 Nghị định 32/2014/NĐ-CP như sau:
- Người quản lý sử dụng đường cao tốc, đơn vị khai thác, bảo trì phải khẩn trương thực hiện các biện pháp bảo đảm giao thông, điều chỉnh giao thông để hạn chế ùn tắc giao thông; sửa chữa hư hỏng, khắc phục các tồn tại trên đường cao tốc, tuyến đường khác sử dụng để điều tiết giao thông;
Điều chỉnh, bổ sung các công trình báo hiệu đường bộ và các công trình khác phục vụ bảo đảm giao thông; tham gia hướng dẫn người và phương tiện tham gia giao thông; phối hợp với Cảnh sát giao thông, chính quyền địa phương trong việc tổ chức giao thông trên đường cao tốc.
- Cảnh sát giao thông thực hiện nhiệm vụ chỉ huy, điều khiển giao thông.
- Chính quyền địa phương phối hợp thực hiện bảo đảm giao thông khi cần điều tiết các phương tiện tham gia giao thông đường cao tốc sang đường do địa phương quản lý.
- Công tác cứu nạn, cứu hộ thực hiện theo quy định tại Điều 16 Nghị định 32/2014/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 25/2023/NĐ-CP );
Công tác khắc phục sự cố công trình, khắc phục hư hỏng công trình bảo đảm an toàn trong khai thác sử dụng thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng; công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả cháy, nổ thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy.
- Sau khi hoàn thành việc tổ chức lại giao thông, hoàn thành cứu nạn, điều tra sự cố, người quản lý sử dụng đường cao tốc có trách nhiệm sửa chữa hư hỏng, khắc phục các tồn tại để đưa đường cao tốc vào khai thác sử dụng đúng tiêu chuẩn thiết kế.
Xem thêm Nghị định 25/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/7/2023.
Ngày 23/5/2023, Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định 951/QĐ-NHNN về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Theo đó, mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài như sau:
- Mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng là 0,5%/năm.
- Mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 5,0%/năm.
(Trước đây tại Quyết định 575/QĐ-NHNN ngày 31/3/2023, mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 5,5%/năm.)
- Mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tại Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô áp dụng là 5,5%/năm.
(Trước đây là 6,0%/năm)
Xem thêm Quyết định 951/QĐ-NHNN có hiệu lực kể từ ngày 25/5/2023 và thay thế Quyết định 575/QĐ-NHNN ngày 31/3/2023.
Hướng dẫn đối tượng áp dụng phụ cấp ưu đãi nghề y tế theo Nghị định 05/2023/NĐ-CP là nội dung tại Công văn 3102/BYT-TCCB ngày 23/5/2023 do Bộ Y tế ban hành.
Theo đó, về đối tượng hưởng mức phụ cấp ưu đãi theo nghề quy định tại Nghị định 05/2023/NĐ-CP, Bộ y tế hướng dẫn như sau:
Đối tượng hưởng phụ cấp ưu đãi nghề mức 100% theo quy định tại Nghị định 05/2023/NĐ-CP là viên chức y tế dự phòng, y tế cơ sở thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn y tế đã và đang được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề mức từ 40% - 70% quy định tại Nghị định 56/2011/NĐ-CP và Thông tư liên tịch 02/2012/TTLT-BYT-BNV-BTC .
Xem thêm Công văn 3102/BYT-TCCB ban hành ngày 23/5/2023