Ngày 25/10/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 140/2024/NĐ-CP quy định về thanh lý rừng trồng.
Theo đó, các trường hợp rừng trồng được thanh lý được quy định tại Điều 7 Nghị định 140/2024/NĐ-CP bao gồm:
- Rừng trồng đang trong giai đoạn đầu tư bị thiệt hại do một trong các nguyên nhân quy định tại Điều 4 Nghị định 140/2024/NĐ-CP và không đáp ứng các chỉ tiêu nghiệm thu sau khi trồng rừng theo quy định của pháp luật về đầu tư công trình lâm sinh.
- Rừng trồng sau giai đoạn đầu tư bị thiệt hại do một trong các nguyên nhân quy định tại Điều 4 Nghị định 140/2024/NĐ-CP và không đạt tiêu chuẩn quốc gia về rừng trồng. Chỉ khai thác tận dụng hoặc chặt bỏ đối với những cây không còn khả năng phục hồi; những cây còn khả năng phục hồi được thống kê, kiểm đếm và đề xuất giải pháp phục hồi tại Phương án thanh lý rừng trồng theo Mẫu số 04 tại Phụ lục kèm theo Nghị định 140/2024/NĐ-CP .
Xem thêm chi tiết tại Nghị định 140/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ 25/10/2024.
Ngày 22/10/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 135/2024/NĐ-CP quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ.
Theo quy định tại Điều 5 Nghị định 135/2024/NĐ-CP thì các hành vi trái quy định trong quá trình phát triển, vận hành điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ bao gồm:
- Thực hiện phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ không đúng quy định tại Nghị định 135/2024/NĐ-CP.
- Xây dựng, lắp đặt, vận hành công suất vượt quá công suất đã thông báo hoặc được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký đối với điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ có đấu nối với hệ thống điện quốc gia.
- Các tổ chức, cá nhân không tuân thủ lệnh điều độ của các cấp điều độ hệ thống điện.
Xem thêm chi tiết tại Nghị định 135/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ 22/10/2024.
Ngày 24/10/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 138/2024/NĐ-CP quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng chi thường xuyên ngân sách nhà nước để mua sắm tài sản, trang thiết bị; cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong dự án đã đầu tư xây dựng.
Theo đó, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện tổng hợp chung kinh phí thực hiện các nhiệm vụ cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng trong báo cáo quyết toán ngân sách hằng năm của cơ quan, đơn vị theo quy định của pháp luật về quyết toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước, pháp luật về kế toán, các văn bản hướng dẫn và quy định pháp luật khác có liên quan và được quy định cụ thể tại Điều 11 Nghị định 138/2024/NĐ-CP như sau:
- Đối với nhiệm vụ cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng có dự toán kinh phí thực hiện dưới 500 triệu đồng: Các cơ quan, đơn vị tổng hợp chung trong báo cáo quyết toán hàng năm theo quy định của pháp luật về quyết toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước, pháp luật về kế toán và các văn bản hướng dẫn.
- Đối với nhiệm vụ cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng có dự toán kinh phí thực hiện từ 500 triệu đồng trở lên đến dưới 15 tỷ đồng: Ngoài việc tổng hợp báo cáo quyết toán hàng năm theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định 138/2024/NĐ-CP, cơ quan, đơn vị áp dụng quy định tại Nghị định 99/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công để thực hiện các nội dung công việc liên quan đến lập, thẩm tra, phê duyệt và trách nhiệm quyết toán dự án hoàn thành sử dụng kinh phí chi thường xuyên theo quy định tại Nghị định 138/2024/NĐ-CP sau khi hoàn thành công trình xây dựng.
Xem thêm chi tiết tại Nghị định 138/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ 24/10/2024.
Ngày 22/10/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện 109/CĐ-TTg tăng cường tập trung chỉ đạo, triển khai thi hành Luật Đất đai 2024.
Theo đó, do các địa phương chưa ban hành đầy đủ các văn bản thuộc thẩm quyền đã hạn chế hiệu quả của việc triển khai thi hành Luật Đất đai 2024, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, doanh nghiệp, thủ tục hành chính, hiệu lực hiệu quả trong thực hiện các chính sách mới của Luật Đất đai 2024. Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung thực hiện các nhiệm vụ được quy định cụ thể tại Công điện 109/CĐ-TTg năm 2024 như sau:
- Phê bình nghiêm khắc Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hải Phòng và các tỉnh: Lạng Sơn, Khánh Hòa, Đăk Lăk, Bến Tre, Sóc Trăng chậm trễ trong việc ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai 2024. Yêu cầu kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xảy ra việc chậm ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2024.
- Yêu cầu Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện đầy đủ, kịp thời các nội dung đã chỉ đạo tại Công điện 105/CĐ-TTg năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung chỉ đạo, triển khai thi hành Luật Đất đai 2024, trong đó phải tập trung chỉ đạo ban hành đầy đủ các nội dung được giao quy định chi tiết trong Luật Đất đai 2024 và các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai 2024; việc ban hành văn bản quy định chi tiết được giao tại Luật Đất đai 2024 và các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai 2024 phải hoàn thành trước ngày 31/10/2024, báo cáo kết quả về Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nếu để chậm trễ ban hành các văn bản nêu trên.
- Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường thường xuyên theo dõi, đôn đốc các địa phương trong việc tổ chức triển khai thi hành Luật Đất đai 2024 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2024.
- Giao Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm, hiệu quả Công điện 109/CĐ-TTg năm 2024.
- Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc các Bộ, cơ quan liên quan và các địa phương trong việc thực hiện Công điện này, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng phụ trách những vấn đề vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện.
Xem thêm tại Công điện 109/CĐ-TTg ban hành ngày 22/10/2024.